Ngày nay, theo phong tục cổ truyền, trầu cau được coi như một thứ lễ vật thiêng liêng không thể thiếu trong lúc gia đình có hỷ sự như ngày giỗ, ngày Tết, lúc hội hè, đình đám, đặc biệt là lễ cưới hỏi. Tuy nhiên, trầu cau cũng đang mất dần thị trường tiêu thụ vì phụ nữ đã bỏ dần tục ăn trầu, ngay cả người già cũng không thích nhai trầu bỏm bẻm. Nhưng đối với nhiều du khách, có dịp đi ngang qua làng trầu Vị Thủy, nhìn thấy những giàn trầu óng mượt ai nấy cũng đều muốn vào chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn chút hồn quê còn lưu lại nơi này.
Làng trầu Vị Thủy được xem là còn lại độc nhất ở ĐBSCL với diện tích 250 công. Trầu được trồng tập trung chủ yếu ở ấp 5 và ấp 7 (xã Vị Thủy),
Đầu tháng 9/2018, người trồng trầu ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đang vui mừng khi giá bán trầu 3.800 đồng/ốp. Với giá bán hiện tại, mỗi đợt thu hoạch, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 9 triệu đồng/công. Theo chính quyền địa phương, chỉ cần giá 1.000 đồng/ốp trầu là người dân ở đây sống khỏe, vì cứ độ 12-15 ngày là tới đợt thu hoạch lá trầu.
“Huyện Vị Thủy đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký thương hiệu làng trầu Vị Thủy. Chúng tôi đang hướng dẫn người dân nơi đây trồng trầu theo phương pháp hữu cơ để tạo cái nhìn thân thiện về miếng trầu. Huyện dự định sẽ mở du lịch homestay thí điểm tại làng trầu Vị Thủy”, ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn có 1 vựa thu mua trầu để cung cấp cho TP.HCM và xuất khẩu sang Trung Quốc nên người dân yên tâm đầu ra. Hiện xã Vị Thủy đã hình thành câu lạc bộ Vườn Trầu với nhiều thành viên có vườn trầu khá bắt mắt.
Hải Đăng