Cụ thể, theo những người dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tiếp tục phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi phần lớn diện tích mía bị ngập sâu, khiến năng suất bị sụt giảm so với mọi năm. Bên cạnh đó, giá mía mà Nhà máy đường Phụng Hiệp thu mua ở mức thấp, phí thuê nhân công thu hoạch tăng cao, nên khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, thì người trồng mía tiếp tục không có lãi.

“Nhà máy đường mua 10 chữ đường có 820 đồng/kg. Nếu được 12 chữ đường thì nông dân còn đỡ chứ 10 chữ đường thì tính ra rẻ bèo vì còn thuốc, phân, rồi nhân công cao. Năm nay ROC16 lỗ quá”, một người trồng mía tại huyện Phụng Hiệp cho hay.

người dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục… không có lãi.Người dân trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tiếp tục… không có lãi.

Ngoài ra, theo những người trồng mía nơi đây cho hay, do mía bị ngập sâu, dẫn tới chi phí thuê nhân công tăng cao, buộc người dân phải dồn công nhau để thu hoạch và chuyển đi ra ngoài…

Từ lâu tỉnh Hậu Giang được biết đến là vùng mía nguyên liệu lớn nhất vùng ĐBSCL, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, với những vụ mía liên tiếp thua lỗ, khiến cho nhiều nông dân nơi đây không còn gắn bó với cây trồng này mà chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Chính vì vậy, diện tích mía trong tỉnh mỗi năm một giảm, từ hơn 15.000 hecta đến vụ mía này chỉ còn chưa tới 5.000 hecta.

Theo số liệu thống kê, hiện huyện Phụng Hiệp có hơn 1.100 hecta mía bị ngập. Trong đó, nhiều diện tích mía có hiện tượng đỏ lá, dấu hiệu bắt đầu chết cây nếu không kịp thu hoạch trong một tuần nữa. Những ngày qua, toàn huyện chỉ mới thu hoạch hơn 10 hecta mía.

Thông tin trước báo giới, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, những ngày tới, nếu Nhà máy đường phát lệnh thu hoạch mía tập trung, thì địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực thu hoạch nhanh diện tích mía bị ngập để giảm thiệt hại cho bà con.

“Về phía địa phương cũng như các ngành chuyên môn như phòng Nông nghiệp, nếu như Nhà máy đường phát lệnh đốn tập trung chúng tôi sẽ vận động các địa phương, bà con nông dân huy động hết ghe để chuyên chở mía và các tổ đốn mía và hỗ trợ thêm các hộ nông dân đốn dần đổi công cho nhau”, ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm.

Nguyễn Tùng