Sáng nay 3/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI.
Định hướng lại quy hoạch đô thị Hà Nội
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết kỳ họp 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI sẽ diễn ra trong bốn ngày (từ ngày 3 đến 6/7) để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết.
“Chương trình kỳ họp được cải tiến theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, tập trung cho thảo luận tại các tổ và hội trường. Dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Với tinh thần lan tỏa sự đổi mới, thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, trên cơ sở triển khai Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp giai đoạn 2021-2026, Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 4 ngày để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết.
Nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch năm 2023, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024; Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương các dự án đầu tư công; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030; “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065;" Đề án thành lập quận Đông Anh; miễn giảm phí, lệ phí; các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thể thao và các nội dung quan trọng khác.
Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng và cũng là kỳ thường lệ đầu tiên thực hiện theo Nội quy kỳ họp mới khóa 16 đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022. Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục cải tiến nội dung, chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí, dành thời gian thảo luận tại các tổ và tại hội trường.
Kỳ họp dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các vị đại biểu để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng trong chương trình của kỳ họp.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn được theo hai nhóm vấn đề. Cụ thể là tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Ủy ban Nhân dân thành phố và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn nhóm vấn đề công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đang tiếp thu, hoàn thiện, chuẩn bị ban hành chỉ thị về “tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội”.
“Mục tiêu của từng bước khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.
Ông cũng cho hay, thời gian qua thành phố đã chủ động triển khai các công việc có tính chất “căn cơ, lâu dài” cho TP như tổng kết, đề xuất sửa Luật Thủ đô; triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…
Tuy nhiên, Bí thư Hà Nội cũng chỉ rõ “Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế”, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với cùng kỳ và mục tiêu đề ra; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…
“Nhiều vấn đề về phát triển đô thị chưa được khắc phục triệt để như: ùn tắc giao thông, úng ngập, xử lý rác thải, nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng… Kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tạo điểm nghẽn, ách tắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển” - Bí thư Hà Nội nói.
Theo đó, Bí thư Hà Nội đề nghị các ĐB HĐND TP Hà Nội tiếp tục đóng góp các ý kiến "tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ" để có giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, tập trung nguồn lực đạt các mục tiêu đã đặt ra, đưa TP phát triển xứng với niềm tin của nhân dân...
Kim Khánh