THCL Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định:“Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường nước ta vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách, cần phải tập trung giải quyết”.
Toàn cảnh Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011 - 2015
Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập
Chiều ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 -2015. Báo cáo với 10 chương, gồm các vấn đề: Phát triển kinh tế - xã hội và sức ép đối với môi trường; Biến đổi khí hậu, thiên tai; Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Môi trường nước; Ô nhiễm không khí; Môi trường đất; Đa dạng sinh học; Tác động của ô nhiễm môi trường; Quản lý môi trường và những thách thức môi trường, định hướng bảo vệ môi trường trong 5 năm tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: “Sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài”.
Thứ trưởng cũng khẳng định, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường nước ta vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách, cần phải tập trung giải quyết. Hoạt động khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh.
Tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Trong khi đó, hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá: “Ô nhiễm môi trường gia tăng; xảy ra sự cố lớn, ô nhiễm môi trường lớn, tập trung vào một số đối tượng đã nằm trong “tầm ngắm” để sắp tới sẽ xử lý. Hiện có khoảng 20% đối tượng gây ra trên 70% ô nhiễm môi trường nên chỉ cần xử lý khoảng 20% đối tượng này thì môi trường sẽ được cải thiện tốt lên”.
Cần tăng cường quản lý nhà nước về môi trường
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, với sự nỗ lực trong công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm, chất lượng môi trường nước, không khí, cảnh quan môi trường của một số khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi chất lượng môi trường đang tiếp tục suy giảm. Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại các đô thị lớn. Hiện tượng xâm ngập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
“Chất lượng nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế ven bờ. Đặc biệt, sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Thêm vào đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố môi trường và các vấn đề môi trường xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp - đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường”, ông Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp còn yếu kém… Đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu quả thấp và chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực trong xã hội...
Trên cơ sở các phân tích hiện trạng, báo cáo đã đưa ra những kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ cấu, tổ chức hệ thống quản lý môi trường... nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường và bảo đảm các mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội ở nước ta.
Hoan Nguyễn