Tính đến ngày 2/11, Ban thư ký ASEAN đã nhận được văn kiện phê chuẩn/chấp thuận (IOR/A) từ 6 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng như từ 4 quốc gia ký kết khác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand.
Theo quy định, thỏa thuận này sẽ tự động có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi đạt được số lượng IOR/A tối thiểu. Điều này có nghĩa là hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Trong một tuyên bố ngày 2/11, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh: "Quá trình phê chuẩn khẩn trương của các quốc gia ký kết phản ánh trung thực cam kết mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương công bằng và cởi mở, vì lợi ích của người dân trong khu vực và trên thế giới. Việc thực thi RCEP bắt đầu từ ngày 1/1 năm tới sẽ tạo động lực to lớn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19".
Ban thư ký ASEAN cho biết công tác chuẩn bị của các quốc gia ký kết để RCEP có hiệu lực sẽ tiếp tục được triển khai, tạo cơ sở vững chắc nhằm thực thi đầy đủ và hiệu quả hiệp định này thông qua việc hoàn tất các khía cạnh kỹ thuật và thể chế.
Trong cùng ngày 2/11, New Zealand đã trở thành quốc gia mới nhất phê chuẩn Hiệp định RCEP. Theo chính phủ nước này, RCEP sẽ đem lại những lợi ích kinh tế to lớn cũng như khả năng tiếp cận thị trường mới cho các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp New Zealand từ đầu năm tới.
Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Phil Twyford lưu ý, các nước thành viên ASEAN là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Việc New Zealand và Australia đồng thời phê chuẩn RCEP do ASEAN dẫn dắt thể hiện mối quan hệ bền chặt của hai quốc gia với ASEAN.
Sau khi có hiệu lực đầy đủ, RCEP sẽ là một hiệp định thương mại giữa 15 nền kinh tế trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi sinh sống của gần một phần ba dân số thế giới, chiếm gần một phần ba Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Trúc Mai