Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Danh mục các biện pháp không tương thích (NCM) trên cơ sở Gói cam kết dịch vụ thứ 10 (Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ) bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam và các cam kết của Việt Nam với ASEAN; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Hiệp định ATISA. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, ATISA hoàn tất đàm phán và văn kiện Hiệp định được ký kết ngày 23/4/2019 bởi các Bộ trưởng Kinh tế của 7 nước thành viên ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 25. Sau đó, ATISA đã lần lượt được ký kết bởi Myanmar (3/8/2019) và Việt Nam (9/2019). Phillippines là thành viên ASEAN cuối cùng ký ATISA, ngày 7/10/2020.

ATISA được coi như là bước đi mới trong tiến trình hội nhập về dịch vụ của ASEAN. Khi có hiệu lực, Hiệp định này sẽ thay thế Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) năm 1995, với nhiều nội dung mới theo hướng mở cửa, tự do hóa hơn về dịch vụ. ATISA được hy vọng sẽ đặt nền tảng mới cho việc thúc đẩy thương mại dịch vụ trong khu vực và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ trong ASEAN.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về mở cửa các thị trường dịch vụ, ATISA áp dụng phương pháp tiếp cận mới - mở cửa theo kiểu “chọn - bỏ”. Cụ thể, trong Hiệp định này, các bên cam kết mở cửa tất cả các ngành dịch vụ ngoại trừ các ngành/phân ngành được liệt kê trong Danh sách các biện pháp không tương thích (Danh sách thiết lập riêng theo theo cam kết của từng nước thành viên ASEAN). Đây là cách tiếp cận mới trái với phương pháp chọn - cho của AFAS, vốn chỉ cho phép mở cửa những ngành dịch vụ đã được liệt kê rõ ràng trong Hiệp định.

Anh Minh