Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thứ nhất, doanh nghiệp cần thường xuyên, liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phòng chống, kiểm soát Covid-19. Các quy định, yêu cầu này có thể thay đổi nhanh, bất ngờ, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục triển khai các hoạt động phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thị trường; cập nhật yêu cầu mới của các nước. Do đó, doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận các thông tin này tại một số kênh thông tin chính thức của Bộ Công Thương.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các nước. Thêm vào đó, việc hạn chế đi lại khiến khả năng xác thực thông tin đối tác cũng gặp hạn chế. Do đó, khi trao đổi, giao dịch kinh doanh, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác như thông tin về tư cách pháp nhân, nguồn hàng hóa, khả năng tài chính… để tránh các rủi ro khi hợp tác. Doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để đề nghị hỗ trợ kiểm tra thông tin đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng hoặc thực hiện các giao dịch.

Thứ ba, trong bối cảnh gần đây, một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại hoặc biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nước trong và sau đại dịch, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp có mặt hàng bị ảnh hưởng hoặc bị điều tra.

Để tránh các rủi ro không mong muốn, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp, có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Thông tin về các rào cản thương mại, vụ việc phòng vệ thương mại thường xuyên được đăng tải trên các kênh truyền thông của Bộ Công Thương cũng như được phổ biến tại các hoạt động hướng dẫn tiếp cận thị trường. Bộ Công Thương đã và sẽ đồng hành với các doanh nghiệp để giải quyết các vụ việc, bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nghiệp.

Thứ tư, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa đối tác và thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Doanh nghiệp có thể liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nhờ hỗ trợ kết nối với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối tại nước sở tại, nắm thông tin và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.

Trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.

Hà Trần (T/h)