Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Lê Thế BảoChủ tịch Hiệp hội VATAP, Lê Thế Bảo

Thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm

Hiệp hội VATAP được thành lập ngày 29/3/2004, theo QĐ số 22/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, với mục tiêu: Tập hợp đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; đại diện cho hội viên trong việc phối hợp với các tổ chức kinh tế và các cơ quan có liên quan để đấu tranh chống hàng lậu, GLTM và hàng giả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ hoạt động có hiệu quả cho các DN.

Trải qua hơn 15 năm hoạt động, VATAP cùng với các đơn vị trực thuộc - theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả vai trò trọng tâm, góp phần vào việc phát triển KT-XH của đất nước.

Để làm tốt công tác đó, tháng 2/2014, Hiệp hội VATAP và Cục QLTT (nay là Tổng cục QLTT) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện về chống hàng giả, hàng nhái, GLTM - xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần làm thường xuyên, liên tục. Thông qua lễ ký kết hợp tác, hai bên đã thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân nắm rõ, ý thức trách nhiệm trong việc tích cực đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng lậu, vi phạm SHTT.

Cùng với đó, Hiệp hội đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, các DN, hiệp hội, cơ quan báo chí, tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, buôn bán hàng giả, GLTM; chú trọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhằm tạo bước chuyển biến và hiệu ứng tích cực trên thị trường.

Chủ động góp ý tham gia xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giám định hàng giả, hàng vi phạm SHTT; chính sách về kinh phí phục vụ chống hàng giả, kinh phí tiêu hủy hàng giả, tem chống hàng giả, vấn đề làm giả mặt hàng phục vụ SX nông nghiệp.

VATAP cũng tích cực kêu gọi các DN nói chung và các DN hội viên: Thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không SX, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hội viên và toàn xã hội về công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.

 Chủ động thông tin, phối hợp với các lực lượng thực thi trong việc điều tra, xử lý buôn lậu, GLTM; thực hiện đầy đủ việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa do DN mình SXKD và thông tin rộng rãi để NTD nắm bắt hàng giả, hàng nhái.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; cung cấp thông tin chính xác kịp thời đường dây nóng của BCĐ389/QG và các cơ quan chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức, quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối các sản phẩm SXKD của mình.

Bên cạnh đó, hằng năm theo định kỳ, Hiệp hội VATAP đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức các hội nghị, hội thảo: Kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), tổ chức các chương trình vinh danh, biểu dương các đơn vị, DN có thương hiệu sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu, được các đơn vị, cộng đồng DN hưởng ứng và đánh giá cao...

Lãnh đạo Hiệp hội VATAP biểu dương các DN chung tay ủng hộ xây dựng cây cầu Khe MạngLãnh đạo Hiệp hội VATAP biểu dương các DN chung tay ủng hộ xây dựng cây cầu Khe Mạng

Nhịp cầu thương hiệu - kết nối thành công

Ngày 29/11/2019, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), do Hiệp hội VATAP chù trì phối hợp tổ chức tại Hà Nội, đã phát động Chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - kết nối thành công” giai đoạn 2019 - 2021, thu hút nhiều DN tham gia. Chương trình được triển khai với mục đích nhằm hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” - do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Chương trình có ý nghĩa thiết thực, thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm, sẻ chia của Hiệp hội đối với công tác an sinh xã hội; là cơ sở bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện các hoạt động thiện nguyện và sẽ trở thành một hoạt động thường niên, liên tục của Hiệp hội và các đơn vị thành viên.

Theo đó, hằng năm, Hiệp hội sẽ tiến hành lựa chọn, khảo sát và vận động nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội, tập trung tại địa bàn các xã miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi; phát động chương trình chia sẻ, ủng hộ các đối tượng người cao tuổi, người nghèo, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, vùng thiên tai, bão lũ...

Năm 2019, sau khi xét duyệt hồ sơ, khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, mức độ cần thiết, Hiệp hội đã lựa chọn và phát động việc quyên góp, ủng hộ kinh phí để xây dựng mới cây cầu giao thông dân sinh tại thôn Khe Mạng (xã Phong Dụ Thượng, Văn Yên, Yên Bái). Dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công vào quý I/2020, với mức kinh phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động này, Hiệp hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các DN hội viên, chủ động, tích cực tham gia chương trình; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện xây dựng công trình theo đúng thủ tục, chất lượng và tiến độ đề ra.

Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, Lò Văn Mạnh cho biết, xã hiện có 1.245 hộ dân với khoảng 6.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Dao, Tày. Với địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, hệ thống hạ tầng gặp nhiều khó khăn, mùa mưa lũ về, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn, ảnh hưởng tới điều kiện phát triển KT-XH của địa phương.

Hằng ngày, có trên 500 lượt người qua lại địa bàn xã. Do vậy, để bảo đảm giao thông về các thôn, bản, chính quyền địa phương cùng nhân dân đã làm cây cầu Khe Mạng tạm (dài hơn 50 m, rộng gần 2 m) với mặt cầu bằng gỗ và trụ cầu chênh vênh trên đá. Tuy nhiên, cây cầu đã nhiều lần bị hư hỏng, bị lũ cuốn trôi vào mùa mưa... Trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn hẹp, chính quyền và nhân dân xã cố gắng huy động tối đa nguồn lực để bảo đảm điều kiện giao thông tối thiểu phục vụ SX, sinh hoạt hằng ngày và mong muốn có được nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của xã, trong đó có cây cầu Khe Mạng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhóm xây dựng từ thiện “Nhịp cầu hạnh phúc” của xã đã lập DA, kêu gọi các DN, các tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ kinh phí, giúp xây dựng cây cầu mới.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phong Dụ Thượng cảm kích và đánh giá cao Hiệp hội VATAP và các DN hội viên, đã tổ chức phát động chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - kết nối thành công”, chung tay chia sẻ, đồng hành, ủng hộ kinh phí để thực hiện xây dựng cầu Khe Mạng.

Dự án không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm ATGT thông suốt cho bà con thôn Khe Mạng nói riêng và xã Phong Dụ Thượng nói chung, mà còn giúp bà con các dân tộc có điều kiện sử dụng các phương tiện cơ giới, vận tải đủ lớn trong SXKD, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, sản phẩm, phát triển KT-XH của địa phương.

Sau khi hoàn thành, cây cầu sẽ bảo đảm an toàn cho giao thông thông suốt, an toàn, thuận lợi trên tuyến đường liên thôn từ trung tâm xã về thôn Khe Mạng, ngay cả trong mùa mưa lũ, đặc biệt thuận lợi đối với các học sinh của thôn hằng ngày phải qua suối tới trường.

Dự án góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của xã - từng bước hoàn hiện hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã về các thôn, bản xa xôi và nối liền giữa các thôn với nhau, phù hợp với mục tiêu chung của huyện và tỉnh về đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện phát triển KT-XH cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nguyễn Kiên