Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình 135), từ năm 2015 đến nay, Phú Thọ đã đầu tư hơn 505 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Trong đó, trả nợ các công trình giai đoạn trước 2015 là 317 công trình, với tổng vốn trên 82 tỷ đồng; xây dựng mới: 611 công trình với tổng vốn hơn 285 tỷ đồng; công trình lồng ghép 286 công trình với tổng vốn là hơn 137 tỷ đồng.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, bản đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi
Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã tăng thêm 318 công trình đường giao thông với 260 km đường giao thông nông thôn; 308 công trình giáo dục và các hạng mục phụ trợ với 250 phòng học; 41 công trình thủy lợi với 21,7 km kênh mương nội đồng và đập tràn; 05 công trình đầu tư cho Y tế với 4 phòng khám chữa bệnh, 2 nhà làm việc và các công trình phụ trợ khác; 89 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phụ trợ; 01 công trình trạm biến áp phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt của bà con.
Từ kết quả trên cho thấy, Phú Thọ đã đạt được những kết quả bước đầu, diện mạo nông thôn vùng khó khăn được thay đổi, đường giao thông đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, các cơ sở trường học, trạm xá... được nâng cấp và xây mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, chấm dứt được tình trạng đói kinh niên.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn và các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các chương trình, dự án triển khai nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân, đặc biệt là người dân nghèo vùng khó khăn là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi.
Tuy nhiên, năng lực quản lý, điều hành Chương trình giảm nghèo bền vững cấp huyện, xã nhìn chung còn hạn chế, nhất là cấp xã, do vậy công tác chỉ đạo Chương trình giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các huyện nghèo, vùng cao, địa hình phức tạp, hay xảy ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại kéo dài; vì vậy công trình đầu tư xây dựng hay bị hỏng hóc, nhanh xuống cấp, hiệu quả sử dụng kém; tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư và kết quả sản xuất của nhân dân. Một số xã chưa thực sự quan tâm đến tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo, tỷ lệ bố trí vốn phần lớn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng lại đầu tư thiếu tập trung, còn dàn trải…
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cán bộ tại địa phương; phát huy vai trò của người có uy tín; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoan Nguyễn