Theo đó, dự án đường Vành đai 3 đi qua TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An, được đầu tư giai đoạn 1 dài hơn 76 km, tổng kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Toàn tuyến chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng.
Trong đó, đoạn qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh dài hơn 47 km, qua TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Tổng diện tích giải tỏa khoảng 412 ha, hơn 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng.
UBND TP. Hồ Chí Minh giao các đơn vị và địa phương hoàn tất công tác chuẩn bị cùng các thủ tục liên quan để duyệt chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ra quyết định thu hồi đất...
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu trước ngày 30/06/2023, các địa phương tuyến đường đi qua giao 90% mặt bằng, 10% còn lại sẽ hoàn tất sau đó 6 tháng. Như vậy, khối lượng mặt bằng bàn giao vào thời điểm tháng 06/2023 tăng hơn so với yêu cầu 70% theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng phối hợp các bên liên quan xác định nhu cầu tái định cư dự án, đồng thời rà soát quỹ nhà, đất có sẵn để tính toán phân bổ cho các địa phương bố trí cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Chủ đầu tư cùng các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thông tin... phối hợp di dời đồng bộ quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, để đáp ứng tiến độ thi công tuyến vành đai.
Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sẽ khởi công vào giữa năm nay, dự kiến hoàn thành năm 2026. Công tác giải phóng mặt bằng tại dự án được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu, sau đó làm trước 04 làn cao tốc ở giữa, hai bên xây đường song hành. Tuyến vành đai này được xem là trục giao thông chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 04 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả Vùng kinh tế phía Nam.
Hoàng Bách (t/h)