Theo đó, hoạt động thương mại và dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh được đảm bảo cân đối cung cầu đa dạng mặt hàng lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, không xảy ra biến động tăng giá những mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị như: MM Mega market, Topsmarket, Vinmart, Sagrifood… lưu lượng hàng hoá như thịt, cá, rau củ, trái cây được đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi của Sagrifood cũng đưa ra chương trình giá sốc với nhiều combo vào thứ Sáu hàng tuần như: Combo 1 gồm sườn non 0,5 kg, thịt đùi 1kg, xương 1kg với giá 365.000; combo2 gồm thịt ba rọi 0,5kg, thịt vai 1kg, xương 1kg với giá 325.000; combo 3 gồm sườn giả 1kg, nặc dăm 0,5kg, nạc đùi 0,5kg, xương 1kg giá 395.000; hay combo 4 gồm sườn non 0,5kg, cốt lết 1kg, chân giò 1kg, ba rọi 0,5kg có giá 460.000.
Ngoài ra, việc mua sắm trực tuyến (online) cũng được nhiều người dân lựa chọn, các hệ thống phân phối lớn trên đại bàn TP. Hồ Chí Minh như: Co.opmart, Satra, Bách hóa Xanh, Big C, MM Mega Market... đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm và giao nhận hàng hóa tại nhà. Từ đó, kích cầu sức mua, tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Trước đó, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp trong và sau Tết TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu. Trong đó, doanh nghiệp Bình ổn thị trường Thành phố chiếm 25% - 43% nhu cầu thị trường (tăng 10% so với tháng thường), doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57 - 75% nhu cầu thị trường.
Nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 02 tháng Tết là trên 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Thành phố có 03 chợ đầu mối nông sản cung ứng thị trường đạt bình quân 7.600 tấn/ngày (gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả), vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 10.000 - 13.000 tấn/ngày; 47 trung tâm thương mại, 239 siêu thị (107 siêu thị tổng hợp và 132 siêu thị huyên ngành), hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động với Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tháng 01/2023 là thời điểm trùng với mùa mua sắm cuối năm và thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao.
So với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 5,7%. Trong số đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 đạt 56.887 tỷ đồng, chiếm 62,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 4,6% so với tháng trước. Một số nhóm ngành hàng có doanh thu tăng như lương thực, thực phẩm; đồ dùng thiết bị gia đình; ôtô và phương tiện đi lại (gồm cả sữa chữa); xăng dầu và nhiên liệu khác; hàng may mặc...
Ngoài ra, so với cùng kỳ năm 2022, trong tháng 01/2023 có 03 nhóm hàng tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực tăng 12,3%; thực phẩm tăng 12,4%; ôtô và phương tiện đi lại tăng 12,9%.
Thuận Yến