![Ảnh minh họa Ảnh minh họa](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/02/21/p9-bai-kiencuong-cammoc-1h-thylan-8172-1714b64b-1676964091.jpg)
Việc cắm mốc để làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm, tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch; đảm bảo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp. Đồng thời, thành phố công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Quan trọng hơn, việc cắm mốc của thành phố cũng để bảo vệ hiện trạng tự nhiên của bờ sông suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng; bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu.
Theo đó, việc cắm mốc sẽ dựa theo chỉ giới trên bản đồ địa chính để xác định phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch, sau đó mới triển khai thực địa. Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến lớn nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72 km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.
Ngoài sông Sài Gòn, một số tuyến sông khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60 km; sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn...
Theo đại diện Sở TN&MT, việc cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh rạch... nhằm làm cơ sở kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm. Việc này cũng sẽ tạo quỹ đất để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến như: đường giao thông, công trình thoát nước, điện... Ngoài ra, mốc bảo vệ hành lang các tuyến sông, rạch cũng giúp chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, lộ giới khi xây dựng công trình.
Hoàng Bách (t/h)