Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam cho biết, tính đến 7 giờ ngày 30/9, mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở cao trình 22,91 m, lưu lượng nước đổ về hồ khoảng 160m3/giây.

Để có dung tích chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ thời gian tới, đảm bảo an toàn công trình, phòng và giảm lũ cho vùng hạ du, công ty quyết định kéo dài thời gian xả nước đến 7 giờ ngày 4/10 với lưu lượng 100m3/giây.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam đã có thông báo gửi đến Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các địa phương, đơn vị liên quan để chỉ đạo, phối hợp; thông báo cho nhân dân vùng hạ du hồ chứa biết để chủ động trong kế hoạch sản xuất và dân sinh, phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Hồ Dầu Tiếng tiếp tục xả nước qua tràn
Hồ Dầu Tiếng tiếp tục xả nước qua tràn (Ảnh: Thanh Thảo/NLĐO)

Tùy thuộc vào tình hình khí tượng thủy văn trên lưu vực, diễn biến mực nước hồ, diễn biến thủy triều ở hạ du sông Sài Gòn, công ty sẽ điều chỉnh thời gian, lưu lượng xả phù hợp với tình hình thực tế và sẽ có thông báo sớm nhất về phương án điều chỉnh để người dân, chính quyền chủ động nắm thông tin.

Trước đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam đã xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 1 năm 2024, lưu lượng xả 100 m3/giây, thời gian xả từ ngày 24/9 đến 1/10, tổng lượng xả là 60,48 triệu m3 nước xuống hạ du.

Hồ Dầu Tiếng là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia với diện tích mặt nước 27km2, diện tích lưu vực 270km2.

Dung tích hồ chứa đạt đến 1,58 tỷ m3 nước, cung cấp nước tưới cho hơn 249.000 ha đất nông nghiệp, gần 150 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành phố gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ từ đây đến cuối năm 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam yêu cầu chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hòa phải phân công người theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tăng cường túc trực, kiểm tra, vận hành các công trình có vị trí đặc biệt quan trọng ở hệ thống kênh Chính Tây. Đặc biệt tại kênh tiêu Phước Hội - Bến Đình.

Đồng thời, chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hòa phải linh hoạt điều tiết nước qua cống số 2 và các công trình trên kênh Tây, cống điều tiết để đảm bảo nước cho sản xuất, thoát nước cho lưu vực núi Bà Đen khi có bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng.

Song song đó, chi nhánh cần phải phối hợp chặt chẽ với trạm quản lý kênh các cấp để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do mưa, lũ, triều cường gây ra.

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống thiên tai, môi trường và phát hiện xử lý nghiêm những người vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi cũng phải được chú trọng.

Hoàng Bách (t/h)