Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã có 1.355 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 96% số lượng 1.412 doanh nghiệp hoạt động khi chưa có dịch). Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Các doanh nghiệp đã thích ứng dần với việc sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn của bộ, ngành và cơ quan y tế. Việc đầu tư sản xuất bắt đầu được khôi phục nhanh, khả quan và tích cực, trong đó nhiều doanh nghiệp có tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%. Nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước…

Tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, số lượng công nhân đã tiêm vaccine mũi 1 đạt tỉ lệ 98%; số lượng tiêm mũi 2 và F0 đã khỏi bệnh đạt tỉ lệ 94%, từ đó bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ việc khôi phục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Về tình hình đầu tư tại khu chế xuất, khu công nghiệp ông Hưng cho biết, từ đầu năm đến tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh là 437 triệu USD, đạt 80% so với kế hoạch (550 triệu USD). Trong đó, kể từ ngày 1/10, khi Thành phố hết giãn cách, Hepza ghi nhận các DN thực hiện thủ tục điều chỉnh tăng vốn và liên hệ chủ đầu tư phát triển hạ tầng thuê thêm đất mở rộng sản xuất.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, hiện nay còn khoảng 20% lao động chưa trở lại sản xuất, trong đó phần lớn là lực lượng lao động của các doanh nghiệp dệt may, da giày. Do đó, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tuyển dụng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo ngành y tế có dự báo về khả năng phát sinh tình hình dịch trong ngắn hạn theo địa bàn và theo quy mô khu công nghiệp để các doanh nghiệp nắm bắt tình hình và chủ động kế hoạch sản xuất.

Đồng thời, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng Thành phố nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân lao động KCX, KCN trong pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở…

 Hà Trần