Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Hòa Bình: “Xóa sổ” gần 50ha đất trồng lúa để xây Khu du lịch tâm linh có hợp lý?

Là tỉnh miền núi, với phần đông là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức gần 15%..., tuy nhiên UBND tỉnh Hòa Bình vẫn trình Thủ tướng Chính phủ, xin “xóa sổ” gần 50ha đất trồng lúa để xây dựng Khu du lịch sinh thái - tâm linh hơn 3.000 tỷ đồng.

Xây Khu du lịch tâm linh có hợp lý?

Cụ thể, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy, tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Theo Tờ trình, tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 47,67 ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án nêu trên, do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Dự án này được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016. Sau khi điều chỉnh, dự án có quy mô 10.000 lượt khách/ngày, tương đương 3 triệu lượt khách/năm.

Di tích chùa Tiên tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy - ảnh: Báo Hòa BìnhDi tích chùa Tiên tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Dự án gồm các hạng mục chính như: Khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ cáp treo, khu công viên Nguồn cội, Công viên Việt Nam quê hương tôi, Công viên chủ đề vui chơi giải trí, khu nhà ở Hoa Sen, khu nhà ở Làng quê Việt, khu dịch vụ mặt nước sinh thái...

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.038 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là hơn 455 tỉ tỉ đồng (chiếm 15 % tổng số vốn), phần còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2020. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đề nghị điều chỉnh tiến độ, phân theo từng giai đoạn tương ứng với 2 phân khu của dự án, do đó tiến độ hoàn thành là tháng 3/2025.

Cụ thể đến tháng 3/2020 sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án. Từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn thành phân khu I; Từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2025 xây dựng phân khu II.

Được biết, hiện Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản này đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng các cơ quan có liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Đáng nói, theo số liệu thống kê, cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh Hòa Bình là 14,74% (bằng 31.792 hộ nghèo /215.726 hộ dân). Năm 2017 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Đà Bắc (42,34%), huyện Lạc Sơn (25,5%), huyện Kim Bôi (25,21%), huyện Tân Lạc (24,3%), huyện Mai Châu (21,14%), TP. Hòa Bình (1,31%), huyện Lương Sơn (4,83%), huyện Kỳ Sơn (6,24%).

Trong đó, huyện Lạc Thủy là huyện miền núi thấp của tỉnh Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 31.358,95 km², với 15 đơn vị hành chính (13 xã, 02 thị trấn); dân số là hơn 60.000 người; dân tộc Kinh chiếm 58,2%, dân tộc Mường chiếm 40,75%, dân tộc khác chiếm 1,05%.

Doanh nghiệp nào bỏ ra “nghìn tỷ” để thực hiện dự án?

Theo tờ trình mà UBND tỉnh Hòa Bình gửi Thủ tướng Chính phủ, dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Theo hồ sơ pháp lý của dự án, Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 11/10/2016.

Di tích chùa Tiên tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy - ảnh: Báo Hòa BìnhThông tin của Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình. (Ảnh: Chụp màn hình)

Đến ngày 18/11/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình (sau đổi tên thành dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy), sau đó giao cho Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình có trụ sở tại thôn Lão Nội, xã Phú Lão (Lạc Thuỷ, Hòa Bình), Chủ tịch công ty này là bà Phan Thanh Hà. Hiện, doanh nghiệp này đang kinh doanh tới 27 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực chính là Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê…

Di tích chùa Tiên tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy - ảnh: Báo Hòa BìnhCông ty TNHH Một thành viên viên Pacific - Hòa Bình là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. (Ảnh: Chụp màn hình)

Được biết, Công ty TNHH Một thành viên viên Pacific - Hòa Bình là thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. Và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương cũng là chủ đầu tư của dự án cáp treo Hương Bình nằm tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Ngoài ra, Công ty này còn là chủ đầu tư dự án Du lịch nghỉ dưỡng Hương Sơn (tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

“Các siêu dự án tâm linh cần phải được xem xét thận trọng”

Những năm gần đây, hàng loạt dự án quần thể du lịch tâm linh đồ sộ đã đua nhau mọc lên tại nhiều địa phương trên cả nước. Nếu như miền Nam có Đại Nam ở Bình Dương, thì tại miền Bắc, Công ty Xây dựng Xuân Trường đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào những đại tự như: Khu du lịch tâm linh quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…

Theo tìm hiểu, các dự án này đều do doanh nghiệp xin cấp đất từ địa phương thời hạn khai thác lên đến hàng chục năm. Tuy nhiên, hầu hết các khu du lịch tâm linh tại miền Bắc đã và đang có sự đan xen đầu tư giữa vốn của doanh nghiệp và vốn Nhà nước.

Tràng an bái đínhKhu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình)

Trước đó, năm 2004, Xuân Trường khởi công xây dựng Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700ha với 20 hạng mục. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, chùa Bái Đính mới chỉ hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa chưa được xây dựng xong. Với phương thức đầu tư “đan xen” vốn Nhà nước.

Năm 2006, Xuân Trường tiếp tục xin xây siêu dự án về văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí khác là Tam Chúc - Ba Sao với tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng. Tới nay, Dự án đã hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng (đường, cống thoát nước, trồng cây…). Đây đều là những hạng mục thuộc vốn Nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.

Trao đổi trên báo Giao Thông (tháng 2/2019) về việc xây dựng các “siêu dự án tâm linh”, PGS.TS. Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhận định: “Việc đổ vốn khủng xây dựng những siêu dự án tâm linh cần phải được xem xét thận trọng, vì đó là biểu hiện của sự đầu tư bất thường. Lẽ thường, không ai kinh doanh trên lĩnh vực tâm linh. Cũng không thể có chuyện doanh nghiệp chấp nhận bỏ “tiền tấn” ra đầu tư mà không có lãi. Do đó, hoàn toàn có cơ sở nghi vấn về nguồn tiền và mục đích đầu tư vào những công trình này từ đâu?

Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn ha đất cho nhà đầu tư các dự án tâm linh thật quá lãng phí, cần xem xét lại. Hiện, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng,...”.

chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)Chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Ngô Nhung NLĐ)

Còn Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Trong kinh tế thị trường, chỉ cần không vi phạm pháp luật thì mọi hoạt động đầu tư đều là hợp pháp. Tuy nhiên, trong những dự án đầu tư du lịch tâm linh hiện nay, cần phải xem xét cái hợp pháp ấy có hợp lý hay không và mục đích là gì?

Rất nhiều người đặt câu hỏi chủ đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án tâm linh thì nguồn vốn từ đâu, lợi nhuận thu như thế nào? Song, tới nay vẫn chưa có sự công khai minh bạch về các dự án này.

Cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, trong khi doanh nghiệp các nước khác đổ tiền vào đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ, thì doanh nghiệp của chúng ta lại đổ xô đầu tư vào tâm linh vào đền chùa. Chính phủ và chính quyền địa phương có thái độ như thế nào về hoạt động đầu tư này?

Việc cấp tới hàng ngàn heta đất cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa? Tất cả vấn đề này cần phải có câu trả lời rõ ràng, tránh hậu quả đầu tư vào lĩnh vực tâm linh ồ ạt, gây lãng phí cho Nhà nước và xã hội. Thiết nghĩ, HĐND địa phương và cao hơn là Quốc hội nên có sự giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư này”.

Trao đổi trên báo Người Lao Động (ngày 3/10/2019), GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Pháp luật về đất đai nêu rõ đất và công trình tôn giáo phải xuất phát từ nhu cầu và khảo sát của cộng đồng. Theo đó, khi muốn tôn tạo sử dụng hoặc xây dựng công trình tôn giáo mới thì phải dựa trên đại đa số nhu cầu của người dân địa phương, không phải tùy thuộc vào doanh nghiệp. Nếu gắn dự án du lịch với tâm linh thì việc kinh doanh cần thực hiện như thế nào, theo quy định ra sao, tính tiền sử dụng đất với công trình của dự án có gắn với công trình tâm linh ra sao?

Ông Đặng Hùng Võ kiến nghị, cần có các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng vỏ bọc tâm linh, tôn giáo để kinh doanh, thu tiền; không kiểm soát chặt chẽ thì các địa phương sẽ đua nhau triển khai loại hình du lịch tâm linh.

Khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ tại Hòa Bình chưa đủ điều kiện để xem xét

Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ (tối ngày 2/10) liên quan đến việc tỉnh Hoà Bình có đề xuất làm khu du lịch tâm linh 3.000 tỷ đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tiếp nhận được văn bản đề xuất của UBND tỉnh Hoà Bình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về dự án khu du lịch tâm linh tại Hòa Bình.Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về dự án khu du lịch tâm linh tại Hòa Bình.

"UBND tỉnh Hoà Bình có đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng gần 48 ha đất trồng lúa để xây khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến được triển khai tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ do công ty TNHH một thành viên Pacific – Hoà Bình làm chủ đầu tư", ông Dũng thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10 ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng. Những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương.

"Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.

Tuấn Ngọc

Bài liên quan

Tin mới

Thông báo tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025
Thông báo tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025

Thực hiện Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 22/03/2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Lam Sơn xin trân trọng thông báo kế hoạch tuyển sinh của nhà trường năm học 2024-2025.

Thanh Hóa cảnh báo mưa dông và mưa lớn cục bộ
Thanh Hóa cảnh báo mưa dông và mưa lớn cục bộ

Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa từ chiều tối và đêm 28/3 đến ngày 29/3 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn
Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn

Thông tin từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), đến ngày 28/3/2024, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đạt thành tựu vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn, không xảy ra tai nạn lao động.

Bình luận của Việt Nam về một số vấn đề tại Biển Đông gần đây
Bình luận của Việt Nam về một số vấn đề tại Biển Đông gần đây

Chiều 28/3, tại họp báo thường kỳ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng đã bình luận về một số vấn đề tại Biển Đông gần đây.

Bắt Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân vì lừa đảo chiếm đoạt tiền khách hàng
Bắt Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân vì lừa đảo chiếm đoạt tiền khách hàng

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Thanh Xuân về hành vi hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 8 bị hại. Tổng số tiền lên tới 338 tỷ đồng.

Thanh Hóa tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho cán bộ, chiến sỹ Công an
Thanh Hóa tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho cán bộ, chiến sỹ Công an

Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới, ngày 28/3, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức 2 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho hơn 800 đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy, CBCS đang công tác tại các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh.