Nhân ngày Bom, mìn thế giới 4/4, Đại tá Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã có những chia sẻ về việc trả lại màu xanh cho đất từ những nơi bị bom mìn tàn phá.
PV: Thưa Đại tá Lê Quang Hợp, theo tính toán của các chuyên gia, cần phải mất tới hàng trăm năm nữa mới có thể khắc phục triệt để số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Muốn đẩy nhanh được tiến độ mà chỉ dựa vào nguồn lực của chúng ta không thôi thì chưa đủ. Vậy trong thời gian qua, các hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế về vấn đề này đã được chúng ta triển khai như thế nào?
Đại tá Lê Quang Hợp: Theo như tính toán của các chuyên gia, để khắc phục triệt để bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam cần phải mất trăm năm nữa. Những năm qua, các cơ quan của Việt Nam đã tích cực chủ động tổ chức các đoàn làm việc, đàm phán với Chính phủ các nước như: Anh, Na Uy, Thụy Sỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, New Zealand xúc tiến trao đổi hợp tác với Chính phủ các nước Ấn độ, Hungary, Pháp, Ba Lan, Italy, Nga. Đã tổ chức ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Chính phủ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia và các tổ chức quốc tế. Đó là các tổ chức đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, tiên tiến cho Trung tâm cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia trong thu thập quản lý thông tin, bản đồ ô nhiễm trên phạm vi toàn quốc.
PV: Hợp tác quốc tế không chỉ là học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà chúng ta cần phải thông qua đó để vận động, thu hút nguồn lực quốc tế cho Việt Nam?
Đại tá Lê Quang Hợp: Đúng vậy, chúng ta đã tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế, tổ chức, tham gia các cuộc họp của nhóm công tác bom mìn Việt Nam, để trao đổi, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Từ đó làm cơ sở để thu hút nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam.
Để rút ngắn thời gian và sớm đi đến khắc phục hoàn toàn bom mìn trên lãnh thổ Việt Nam, cần phải có sự quan tâm, trách nhiệm của chính phủ các nước, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước trong việc đầu tư nguồn lực cho Việt Nam, chúng ta tin tưởng điều này sẽ sớm trở thành hiện thực trong thời gian tới.
PV: Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Vậy, việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài có được ưu tiên cho việc giải quyết việc làm và hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn sau chiến tranh, thưa ông?
Đại tá Lê Quang Hợp: Như chúng ta đã biết, Việt Nam là đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề. Khi chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn rất nhiều đau thương mất mát mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu.
Thời gia qua, công tác khắc phục hậu quả bom mìn được xác định là một nội dung trọng tâm và triển khai hết sức nghiêm túc. Các hoạt động hỗ trợ nạn nhân là một nội dung được ưu tiên từ nhiều nguồn vốn và thời gian qua được tiến hành một cách bài bản từ khâu thu thập số liệu thông tin, đánh giá nhu cầu và triển khai các hoạt động hỗ trợ. Chính vì thế mà rất nhiều nạn nhân bom mìn đã giảm bớt được khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống.
PV: Hiện nay, việc rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, toàn diện. Vậy, trong hợp tác quốc tế, chúng ta có tính đến việc xây dựng các quy trình, quy chuẩn, hợp tác quốc tế trong khảo sát và rà phá bom mìn hay không?
Đại tá Lê Quang Hợp: VNMAC hiện đang tích cực đẩy mạnh vận động tài trợ quốc tế trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Trong đó, tập trung vận động chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ về hành động mìn nhân đạo, tài trợ kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong khảo sát, rà phá bom mìn; hỗ trợ huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Đồng thời, VNMAC cũng tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế trong xây dựng hành lang pháp lý trong quản lý, thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhằm cập nhật và tiếp thu các quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng hệ thống các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện của Việt Nam; từng bước hoàn thiện khung pháp lý để triển khai thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh một cách thống nhất, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả.
PV: Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2023, Tổng Giám đốc VNMAC Trần Trung Hoà đã khẳng định: Với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, 50 năm qua, kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam đã triển khai khảo sát và rà phá được gần 2,5 triệu ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn. Như vậy, sự nỗ lực của Việt Nam chính là một trong những minh chứng để cộng đồng quốc tế tin tưởng và tiếp tục ủng hộ, hợp tác với Việt Nam chúng ta…?
Đại tá Lê Quang Hợp: Ngay sau khi đất nước hòa bình và thống nhất, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xem đây là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc sống và sản xuất của người dân, đồng thời tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nỗ lực của Việt Nam không chỉ được thể hiện qua kết quả trên hiện trường mà còn thể hiện qua việc xây dựng, hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện sự tích cực và tinh thần trách nhiệm đối với các nỗ lực hành động bom mìn toàn cầu. Tôi cho rằng, những nỗ lực trên của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, từ đó củng cố được lòng tin và cam kết của họ trong việc tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bằng chứng là trong những năm đầu tiên tiến hành khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất hỗ trợ Việt Nam.
Tuy nhiên, càng về sau, chúng ta càng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác của nhiều quốc gia khác. Sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm trên hành trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; tuy nhiên, với nỗ lực và cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tê, tôi luôn tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ không đơn độc trên hành trình này.
PV:Trân trọngcảm ơn Đại tá Lê Quang Hợp!
Theo Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân