Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh gas có những khó khăn, phức tạp cần tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung để các quy định của pháp luật phù hợp nhất, ít vướng mắc nhất đối với thực tiễn sản xuất kinh doanh gas.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Theo đó, đối với thị trường khí thì “Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG”. Đồng thời, xác định rõ lộ trình phát triển thị trường khí trong giai đoạn 2021-2025 là “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng”.
Thống kê của Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương cho hay, hàng năm, sản lượng khí khai thác trong nước khoảng 9 - 10 tỷ m3/năm, trong đó 85% cung cấp cho các nhà máy điện; 11% cung cấp cho các nhà máy đạm; 4% cung cấp cho các hộ tiêu thụ khác. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ khí hoá lỏng (LPG) hàng năm tại Việt Nam vào khoảng 2,2 - 2,3 triệu tấn, chủ yếu phục vụ nhu cầu dân dụng và thương mại.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo của Hiệp hội Gas Việt Nam, thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây có sự cạnh tranh gay gắt, cả về giá. Thực tiễn hoạt động kinh doanh khí hiện nay còn có các trường hợp thiếu sự hợp tác kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, có những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, tài sản, tổn hại uy tín của doanh nghiệp khác. Đơn cử như, sự việc chiếm đoạt chai LPG của chủ sở hữu chai LPG, san chiết trái pháp luật vào chai của chủ sở hữu; vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong san chiết LPG. Thêm nữa, bằng nhiều thủ đoạn, một số đơn vị kinh doanh không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh khi không đủ điều kiện…
Cùng phản ánh các hành vi vi phạm của các tổ chức kinh doanh gas bất hợp pháp, bà Nguyễn Thị Hạnh, Công ty TNHH Total Gaz Việt Nam còn nêu tình trạng mỗi cơ quan quản lý tại các địa phương lại tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bên vi phạm căn cứ vào các quy định pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho chủ sở hữu. Việc áp dụng các quy định pháp luật khác nhau dẫn đến hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả hoàn toàn khác nhau.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha cho rằng, vẫn còn thương nhân chưa coi trọng danh dự. Vì lợi ích cá nhân, lợi ích của doanh nghiệp, biết nhưng vẫn vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.
Để quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh gas, cùng với việc ban hành Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, tiếp sau đó Nghị định 19/2016/NĐ-CP, Nghị định 77/2006/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP đang có hiệu lực thi hành, Chính phủ cũng đồng thời ban hành các nghị định để xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas (Nghị định 105/2009/NĐ-CP, Nghị định 67/2018/NĐ-CP, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Nghị định 99/2020/NĐ-CP…). Điều đó chứng tỏ rằng công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh gas có những khó khăn, phức tạp cần tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung để các quy định của pháp luật phù hợp nhất, ít vướng mắc nhất đối với thực tiễn sản xuất kinh doanh gas.
Bởi khí dầu mỏ hóa lỏng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Nên những quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước sẽ có tầm ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến quyết định kinh doanh của thương nhân. Nếu các quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động của thương nhân, của thị trường sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thị trường phát triển lành mạnh ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai. Ngược lại sẽ là rào cản ngăn cản hoạt động sản xuất kinh doanh của thương nhân và triệt tiêu sự phát triển của thị trường, ông Trần Minh Loan chia sẻ.
Ông Hoàng anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thừa nhận, quy định đối với hệ thống phân phối còn chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình kinh doanh khí thuộc hệ thống phân phối, gây hiểu nhầm và lúng túng cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong quá trình áp dụng. Vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiếm dụng, cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra lưu thông trên thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.
Về dài hạn, Vụ Dầu khí và Than thông tin, định hướng chính sách phát triển công nghiệp khí tại Việt Nam là phải xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi trình Quốc hội xem xét phê duyệt nhằm hoàn thiện khung pháp lý; Xây dựng, hoàn thiện Chiến lược năng lượng quốc gia, Quy hoạch năng lượng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; Triển khai nhiệm vụ được giao đối với thị trường khí tại Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực LNG; Xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý về cơ chế, chính sách đối với thị trường khí, đặc biệt là giá khí cho sản xuất điện…
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh LPG và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm. Trong quá trình xây dựng pháp luật, Hiệp hội kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn, trao đổi với Hiệp hội, với doanh nghiệp để xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để các quy định được ban hành phù hợp nhất có thể với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; các cơ quan có chức năng quan tâm, xem xét tiếp thu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; phổ biến, hướng dẫn cho người tiêu dùng biết về những điều cần tránh khi sử dụng gas, tránh rủi ro cháy nổ, biết về quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm./.
Hoàng Thăng (T/h)