Các sản phẩm OCOP bày bán taij siêu thị Bigc Thanh Hoá
Các sản phẩm OCOP bày bán tại siêu thị BigC Thanh Hoá.

Theo đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động nhằm tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay khi vừa bước qua đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Cùng với đó, cuộc vận động nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất và toàn xã hội về cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam, của cộng đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.

Cuộc vận đôngh khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp trong hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động; đẩy mạnh các hoạt động vận động người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam, trong tiêu dùng cá nhân và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm trang thiết bị, vật tư bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Tại Thanh Hoá, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, coi công tác tuyên truyền là khâu quan trọng nhất nhằm chuyển tải, nâng cao nhận thức của người dân, từ đó định hướng và tạo thói quen cho người dân có ý thức trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị thành viên đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu lên những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai cuộc vận động. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và Nhân dân về cuộc vận động vận chưa sâu sắc; việc tổ chức các hoạt động khuyến mại, triển lãm, đưa hàng Việt về các địa phương còn nhỏ lẻ; tỷ lệ hàng hóa, lương thực, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều trên thị trường.

Đặc biệt là hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, bán hàng online vẫn còn phức tạp và vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng còn hạn chế.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Thanh Hoá đã tiếp thu ý kiến của các thành viên để hoàn thiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Để tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động, các ngành, đơn vị thành viên cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của tỉnh về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Cùng với đó, Thanh Hóa đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong thực hiện cuộc vận động.

Các ngành thành viên phối hợp tổ chức hoạt động giám sát thị trường để đánh giá đúng chất lượng, mức tiêu thụ hàng Việt và nhu cầu tiêu dùng trong Nhân dân; thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng Việt Nam, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh sản xuất đến người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi.

Lê Nam