Đây là một trong 3 đề xuất được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu tại phiên khai mạc Hội nghị Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11, diễn ra sáng ngày 21/11 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Chữ thập Đỏ - Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế Maha Barjas Al-Barjas, Tổng Thư ký Hiệp hội Chữ thập Đỏ - Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế Jagan Chapagain, Phó Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Gilles Carbonnier, lãnh đạo các hội Chữ thập Đỏ-Trăng lưỡi liềm Đỏ đến từ hơn 60 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là lần thứ hai Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức hội nghị khu vực, là cơ hội để thúc đẩy các hoạt động hợp tác phát triển của Hội với các đối tác quốc tế và các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, thảm họa và dịch bệnh, thể hiện rõ qua những tổn thất to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh đó nguồn lực dành cho các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo còn hạn chế, thiếu hụt ở nhiều nơi, đặt ra đòi hỏi cấp thiết về tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạch định chiến lược, huy động và quản lý nguồn lực, nâng cao năng lực của các hoạt động nhân đạo, cũng như trong phòng ngừa và ứng phó với thảm họa.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, ngoài nỗ lực chung về phòng ngừa và giải quyết hậu quả từ chiến tranh, xung đột truyền thống, các hoạt động nhân đạo quốc tế cần tập trung nhiều hơn nữa cho việc phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống như thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là những vấn đề có thể phát sinh ở bất kỳ thời điểm nào, không bị ngăn cách bởi không gian địa lý và có thể tác động nặng nề đến mọi quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải quyết những vấn đề trên chính là xử lý căn nguyên gốc rễ của vấn đề khủng hoảng nhân đạo. Đồng thời tin tưởng Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, thảo luận kỹ về những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ rộng rãi các kinh nghiệm và bài học thành công, qua đó thống nhất được các biện pháp, kế hoạch hành động cho công tác nhân đạo trong khu vực và quốc tế trong giai đoạn mới; nâng cao hiệu quả các cơ chế, khuôn khổ hợp tác giữa các hội quốc gia trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả của mình.
PV/Theo chinhphu.vn