Trong đó, chỉ tính riêng quý III/2024, giá trị phát hành của nhóm ngân hàng chiếm tới 81% tổng giá trị phát hành; giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 14%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 280.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó giá trị phát hành của nhóm ngân hàng chiếm hơn 73% tổng giá trị phát hành.
Cũng theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 9/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 11.749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trên thị trường thứ cấp (trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi được phát hành trên thị trường sơ cấp), tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 9/2024 đạt 87.768 tỷ đồng, bình quân 4.619 tỷ đồng/phiên, tăng 40,2% so với bình quân tháng 8/2024.
Cũng theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 9/2024, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi mới, với tổng giá trị 239,4 tỷ đồng. Hai mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực tài chính mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh chi phí vốn gia tăng.
Trao đổi trước báo chí về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như năm 2025 là khá lớn. Bởi, doanh nghiệp được gia hạn trả nợ trái phiếu của năm 2022 và 2023 là 2 năm (theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ).
Với doanh nghiệp bất động sản, áp lực là không nhỏ bởi nhóm này chiếm số lượng lớn về trái phiếu đáo hạn trong khi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chưa hồi phục. Thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào cung - cầu song hiện nay cung - cầu trên thị trường chưa gặp nhau bởi nhu cầu về nhà ở xã hội rất cao nhưng nguồn cung ở phân khúc này ngày càng khan hiếm và giá nhà tăng cao.
Để giải tỏa điểm nghẽn trên là bài toán rất khó. Giải pháp là hãy để giá đất và giá nhà được quyết định bởi cung - cầu trên thị trường. Nếu giá quá cao, không có người mua thì doanh nghiệp sẽ tự khắc phải giảm để có giao dịch mua bán và có dòng tiền. Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá gây nhiễu loạn thị trường, nên đánh thuế bất động sản với cả bất động sản đầu tiên, không chỉ với bất động sản thứ hai trở đi như đề xuất trong thời gian qua”.
Trước đó, theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, 7 tháng năm 2024, đã có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng 161,5 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổ chức tín dụng phát hành hơn 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,5% khối lượng phát hành; doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 38,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 24%; các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành 13,8 nghìn tỷ đồng (8,5%).
Cùng với đó là 24 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm (chiếm 14,9% khối lượng phát hành); trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có điều khoản bảo đảm chiếm 84,4%.
Khối lượng mua lại trước hạn là 88,8 nghìn tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 7 tháng năm 2024, tổng giá trị giao dịch đạt 566.857 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.049 tỷ đồng/phiên.
Tuấn Ngọc