Các sinh viên tới từ các trường đại học: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện Lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh và Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội và 3 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học được nhận giải thưởng cấp Bộ.
Chương trình học bổng Năng lượng tương lai được thực hiện từ năm 2017, với mục đích nhằm khích lệ và bồi dưỡng nguồn lực cho tương lai ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt ưu tiên những bạn sinh viên ưu tú của tỉnh Quảng Ninh, nơi mà nhà máy điện Mông Dương đang hoạt động, bên cạnh khoản hỗ trợ về tài chính 14.000.000VNĐ/sinh viên (các đề tài nghiên cứu khoa học nhận hỗ trợ 7.000.000VNĐ) được nhận trong năm học, những sinh viên nhận học bổng còn có cơ hội tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm, được học tiếng anh với các bạn tình nguyện viên nước ngoài thực tập tại CED và tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Các bạn cũng có cơ hội giao lưu với các nhà tuyển dụng và tham quan trải nghiệm thực tế tại nhà máy điện Mông Dương II. Đây hứa hẹn sẽ là những hoạt động bổ ích, trang bị những kiến thức và kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên ngành năng lượng.
Trong những năm gần đây, ngành năng lượng được đánh giá là một ngành công nghiệp quan trọng, có tốc độ phát triển nhanh. Để đáp ứng sự phát triển này, ngoài việc đào tạo con người, việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cũng vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy, ngoài việc trao học bổng tới 30 sinh viên thuộc 05 trường đại học liên kết với chương trình, AES Việt Nam đã dành ra trao tặng 03 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp Bộ đã có những nghiên cứu tiềm năng về lĩnh vực năng lượng nhằm thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của các em sinh viên.
Chia sẻ về chương trình, ông Joseph Frank Uddo III, Tổng giám đốc AES Việt Nam chia sẻ: “Chương trình học bổng năng lượng tương lai được tạo ra với mục tiêu hỗ trợ giáo dục, tìm kiếm và khuyến khích phát triển nguồn nhân sự tiềm năng cho ngành năng lượng tại Việt Nam. Bước sang năm thứ 6, tôi rất vui mừng khi chương trình đã được chào đón thêm 02 đối tác nâng tổng số trường đại học tham gia chương trình lên 5 trường và tổng số sinh viên được hỗ trợ năm nay là 30 em. Tôi mong rằng các bạn sinh viên tham gia chương trình sẽ có những giờ phút học tập, giao lưu vui vẻ và bổ ích để phát triển kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường lao động, góp phần phát triển ngành năng lượng của đất nước.”
Trong buổi lễ trao học bổng, CED đã tổ chức một tọa đàm chia sẻ về ngành năng lượng tương lai để các em sinh viên có cơ hội tìm hiểu về ngành nghề, về nhu cầu của nhà tuyển dụng thông quan những phần chia sẻ của các chuyên gia đến từ AES Việt Nam, CED và các giảng viên của các trường đại học trong chương trình học bổng.
Sinh viên học ngành điện có khả năng làm việc tại các công ty điện lực, làm việc trong các trạm truyền tải và phân phối điện năng, làm việc trong các công ty xây lắp công trình điện, hoặc đảm nhiệm công việc trong các tổ cơ điện, phòng bảo dưỡng bảo trì thiết bị điện của các nhà máy, xí nghiệp...
- Nguyễn Đăng Toản, Trưởng khoa Công nghệ Năng lượng, Trường Đại học Điện Lực chia sẻ “Ngành công nghiệp điện Việt Nam đang được chuyển đổi sang thị trường điện cạnh tranh. Các bước nhằm tự do hóa ngành điện gồm: thị trường phát điện cạnh tranh để tự do hóa mảng phát điện, thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ cạnh tranh để tự do hóa mảng phân phối. Do đó nhân sự ngành điện trong tương lai sẽ cần được trang bị các kĩ năng học thuật và chuyên môn tốt để đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu lực lượng lao động ngày càng nhiều. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, Nhà trường đã đầu tư trang bị nhiều về cơ sở vật chất, luôn cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tiễn và được thực hành nhiều hơn ở các cơ sở sản xuất. Chính vì vậy, chúng tôi rất khuyến khích sinh viên đăng kí những chương trình như chương trình học bổng Năng lượng tương lai của AES”.
- Để đồng hành cùng các trường đại học xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu hóa, trung tâm Giáo dục và Phát triển luôn tìm kiếm những chương trình học bổng hỗ trợ các em sinh viên thực sự có năng lực và quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Bà Tô Kim Liên, Giám đốc CED chia sẻ: "Chuyển dịch năng lượng từ năng lượng truyền thống sang các ngành năng lượng không gây hại môi trường, thân thiện với khí hậu là một xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại về thể chế chính sách, đầu tư tài chính, cơ sở vật chất và đặc biệt là nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp này. Do đó, CED luôn tìm cách hợp tác với các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp để thúc đẩy các chương trình đào tạo, hỗ trợ cho các em sinh viên đang theo học ở các trường có ngành học liên quan đến năng lượng ở Việt Nam, góp phần tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam".
Minh Anh