Học giả Trung Quốc: Tăng ngân sách quốc phòng không làm Mỹ ‘vĩ đại trở lại’ - Hình 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết đưa nước Mỹ 'vĩ đại trở lại' - Ảnh: Getty Images

Tác giả của bài bình luận là Lý Tương của Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Trung Quốc. Đối tượng mà học giả này chỉ trích là Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) 2019 vừa được lưỡng viện Mỹ thông qua, trong đó chi tiêu quốc phòng được tăng thêm gần 20 tỉ USD, đạt mức kỷ lục 717 tỉ USD.

Theo học giả Lý, mặc dù Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều nỗ lực tốt nhất, nhưng quân đội Mỹ không đáp ứng được mong đợi của ông. Nhiều vụ bê bối như va chạm tàu, lạm dụng ma túy, tấn công tình dục cứ liên tục xảy ra.

“Ngày nay, mọi người đều mong an toàn và ổn định, hợp tác cùng có lợi là xu thế chung. Mỹ không thể làm cho mình 'vĩ đại trở lại' chỉ đơn giản bằng cách tăng chi quốc phòng. Giới chức Mỹ nên nhận ra rằng trở ngại chính ngăn họ đạt mục tiêu không phải quân đội không đủ mạnh, mà chính là những biện pháp liều lĩnh họ làm để trở thành siêu cường duy nhất”, bài viết lập luận.

Học giả Lý dẫn vụ va chạm của hai tàu khu trục USS Fitzgerald và USS John S. McCain. Ông cũng trích thông tin của hãng AP về vụ 14 thành viên của một đơn vị quân đội Mỹ đóng tại căn cứ không quân F.E. Warren (bang Wyoming) bị điều tra vì cáo buộc sử dụng, buôn bán ma túy.

Ngoài ra, nghiên cứu do tổ chức RAND Corporation thực hiện cũng được học giả Lý sử dụng. Nghiên cứu cho thấy so với 10 năm trước, nguy cơ lực lượng Mỹ đóng tại nước ngoài trở thành mục tiêu bị tấn công đã tăng 10%. Tỷ lệ này tăng đến 25% đối với binh sĩ đồn trú tại Trung Đông và Bắc Phi. Theo học giả Lý, vụ việc 4 thành viên của đội đặc nhiệm Mỹ hy sinh vì lọt vào ổ phục kích của tổ chức khủng bố IS tại Niger là minh chứng tiêu biểu.

“Từ các sự kiện trên có thể thấy được một thực tế chính là giấc mộng 'đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại' khó thành hiện thực nếu chỉ chăm chăm đổ tiền cho quân đội”, ông Lý viết.

Bài bình luận cũng chỉ trích quyết định rút Mỹ khỏi các thỏa thuận, tổ chức quốc tế của Tổng thống Trump. Theo học giả Lý, những động thái kiểu này gây tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của chính phủ Washington, làm suy yếu quyền lực mềm cũng như vai trò lãnh đạo của Mỹ ở phương Tây.

Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền cho đến nay, Mỹ đã lần lượt rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Bài bình luận này của học giả Lý là một phần trong hoạt động chỉ trích Mỹ, nước vẫn đang giữ vị thế đứng đầu về quân sự, của Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên lên tiếng phản đối về cái họ gọi là bành trướng quân sự của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương và lấy đây làm cái cớ để tăng cường quân đội cũng như triển khai nhiều hành động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông.

Hải quân Trung Quốc sẽ có pháo điện từ vào năm 2025

Theo một báo cáo của tình báo Mỹ, Trung Quốc đang cho thử nghiệm pháo điện từ dùng cho hải quân, và vũ khí này có thể được trang bị phục vụ thực chiến vào năm 2025.

Pháo điện từ (railgun) không dùng thuốc pháo thông thường mà dùng điện để tạo ra dòng từ trường, bắn đạn đi với vận tốc siêu thanh bằng một phản ứng điện từ gọi là lực Lorentz. Báo cáo của tình báo Mỹ cho biết loại mà Trung Quốc đang phát triển có khả năng bắn mục tiêu ở khoảng cách 124 dặm (gần 200 km) với vận tốc lên đến 1,6 dặm (2,57 km)/giây.

Học giả Trung Quốc: Tăng ngân sách quốc phòng không làm Mỹ ‘vĩ đại trở lại’ - Hình 2

Hình ảnh được cho là pháo điện từ gắn trên tàu chiến Trung Quốc (khoanh đỏ) lan truyền trên mạng xã hội trong tháng 2.2018 - Ảnh: Twitter

Từ lâu, pháo điện từ đã là loại vũ khí mà quân đội Nga, Mỹ, Iran mong muốn sở hữu vì nó giúp tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đủ sức mang đến tầm bắn tương tự tên lửa dẫn đường chính xác. Mỗi lần bắn, pháo điện từ tiêu tốn của Trung Quốc từ 25.000 - 50.000 USD.

Pháo điện từ Trung Quốc lần đầu lộ diện năm 2011 và trải qua quá trình thử nghiệm vào năm 2014. Trong khoảng thời gian 2015 - 2017, vũ khí này được cải tiến tăng tầm bắn, gia tăng mức độ phá hủy. Đến tháng 12.2017, Bắc Kinh đã trang bị pháo điện từ cho tàu chiến và bắt đầu thử nghiệm trên biển. Đây là điều mà chưa quốc gia nào làm được.

Trong khi đó, pháo điện từ của Mỹ vẫn còn được giữ bí mật và đang được Phòng nghiên cứu hải quân phát triển.

Theo Motthegioi