Ngày 31/8 tới đây, trên dòng sông Cổ Cò (đoạn qua phường Cẩm An, TP.Hội An) lần đầu tiên sẽ diễn ra Lễ hội Cổ Cò - Festival Cổ Cò 2024 nhằm góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của dòng sông huyền thoại này.
Lễ hội do UBND phường Cẩm An tổ chức tại Công viên Lăng Bà Cồn Động (đường Trường Sa) nằm trong chuỗi hoạt động “Cảm xúc mùa hè” của UBND TP.Hội An.
Trong khuôn khổ Festival Cổ Cò 2024 sẽ diễn ra các hoạt động như: Hội thi “Chạy vì sức khỏe cộng đồng”; trình diễn Bả Trạo Cầu ngư; hội thi thiếu nhi vẽ tranh “Làng Chài trong em”; hội thi nấu ăn “Bếp Làng Chài”; thi lắc thúng chai; tiếng hát làng chài (hò khoan, hát dân ca, dân vũ); đêm hội làng chài...
Ban tổ chức lễ hội cho hay, xuyên suốt thời gian diễn ra Festival còn có hoạt động nhiều hoạt động đặc sắc phục vụ du khách như: Du ngoạn, tham quan, khám phá tour “Cổ Cò huyền thoại” dọc sông Cổ Cò đến xóm Chùa An Bàng bằng thuyền chèo tay để thăm làng chài ven sông với cây đa, giếng đá, đình đá cổ...; trải nghiệm ẩm thực và Chợ phiên làng chài; trải nghiệm đánh bắt cá, vãi chài, đan lưới…; tham quan điểm trưng bày “Làng chài xưa và nay”...
Sông Cổ Cò dài khoảng 28km nối TP.Đà Nẵng và TP.Hội An từ lâu được đánh giá là tuyến đường thủy du lịch rất triển vọng và hiện đang được chính quyền hai địa phương xúc tiến khơi thông. Đoạn sông Cổ Cò qua phường Cẩm An hiện không bị tắc, phù hợp cho hoạt động phát triển du lịch đường thủy.
Sông Cổ Cò nối từ Cửa Đại (Hội An) đến cửa Hàn (Đà Nẵng). Theo Đại Nam nhất thống chí, sông Cổ Cò hay còn gọi là Lộ Cảnh Giang nằm ở vùng đất cuối 2 huyện Diên Phước và Hòa Vang. Con sông này chạy từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc đến phía Tây quần thể Ngũ Hành Sơn rồi nhập vào sông Cẩm Lệ. Trong dân gian còn lưu giữ nhiều sự tích về sông Cổ Cò với những câu chuyện đầy huyền thoại.
Đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà sư Thích Đại Sán ông là một vị cao tăng của Trung Hoa đã đến kinh thành xứ Đàng Trong vào năm 1695. Ông rời Phú Xuân vào Hội An để đáp thuyền về nước. Ông đã đi theo sông Cổ Cò, nhìn thấy núi Tam Thai trước mắt ” Núi Tam Thai tức là Ngũ Hành Sơn – Non Nước” đã cho dừng thuyền lên núi ngoạn cảnh và đã ghi lại trang hồi ký khá tỷ mỉ những cảnh quan kỳ thú của Ngũ Hành Sơn.
Đình Lương