Hiện bộ phận kỹ thuật của hội đồng vẫn chưa đưa ra báo cáo đánh giá, đề xuất về tiền lương tối thiểu vùng sẽ giữ như hiện hành, hay tăng vào năm tới.
Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Hội đồng tiền lương diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường được chốt trong phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung.
![Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 bàn về phương án lương tối thiểu vùng vào ngày 20/12 (Ảnh minh hoạ) Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 bàn về phương án lương tối thiểu vùng vào ngày 20/12 (Ảnh minh hoạ)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/12/14/img-9415-1702560584.jpeg)
Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 5- 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Còn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.
Theo các chuyên gia lao động, nếu vòng 2 cuộc họp diễn ra thuận lợi thì theo quy trình văn bản, lấy ý kiến, khả năng tăng vào 1/7/2024. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng phụ thuộc nhiều vào sức khoẻ của doanh nghiệp.
Mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Phương Thảo (t/h)