Quyết định đăng cai cuộc gặp với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tại Wilmington, thay vì New York, phản ánh cách tiếp cận ngoại giao mang tính cá nhân của ông Joe Biden, thể hiện cam kết chắc nịch trong việc duy trì và củng cố các liên minh của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp các nhà lãnh đạo khác của Bộ tứ tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5/2023. (Nguồn: ANI)
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp các nhà lãnh đạo khác của Bộ tứ tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5/2023. Nguồn ANI.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ đánh dấu cuộc gặp trực tiếp thứ tư giữa ông chủ Nhà Trắng với các Thủ tướng Anthony Albanese (Australia), Narendra Modi (Ấn Độ) và Thủ tướng Kishida Fumio (Nhật Bản), qua đó, tái khẳng định tầm quan trọng của Bộ tứ trong việc chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chính quyền ông Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ tứ kể từ năm 2021, định vị đây là một "mỏ neo" để giải quyết các thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhà Trắng coi Bộ tứ là phản ứng chính trước sự quyết đoán ngày càng tăng cả về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông.

Các quan chức cấp cao nước này cho biết, Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ tập trung vào việc củng cố hợp tác y tế, cứu trợ thiên tai và an ninh hàng hải — những lĩnh vực mà Bộ tứ đã đạt những bước tiến đáng kể trong thời gian qua.

Chia sẻ với CNN, một quan chức cấp cao nhận xét, "Bộ tứ chứng minh rằng khu vực này coi trọng hành động tập thể, cho phép chúng ta thúc đẩy hòa bình và ổn định, bất chấp những thách thức do Trung Quốc đặt ra".

Tổng thống Biden dành nhiều dịp cuối tuần ở Wilmington, bang Delaware, đi nhà thờ và mua sắm tại Jos. A. Bank. (Nguồn: AP)
Tổng thống Biden dành nhiều dịp cuối tuần ở Wilmington, bang Delaware, đi nhà thờ và mua sắm tại Jos. A. Bank. Nguồn AP.

Các mục tiêu cụ thể từ Hội nghị thượng đỉnh dự kiến ​​bao gồm một sáng kiến ​​quan trọng về y tế và an ninh y tế toàn cầu, hợp tác nhân đạo và các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA), sáng kiến ​​ hướng tới chia sẻ thông tin giữa Bộ tứ với các đối tác trên toàn bộ khu vực.

Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ diễn ra vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Biden và các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu bảo đảm tương lai của Bộ tứ vẫn đi đúng hướng. Các quan chức đang xúc tiến để nhóm vẫn là ưu tiên chính sách đối ngoại lưỡng đảng tại Mỹ, trong đó có việc tài trợ dài hạn từ ngân sách quốc gia và sự hỗ trợ của cơ quan lập pháp cho các sáng kiến ​​của Bộ tứ.

Bất chấp việc ông Biden sắp rời nhiệm sở vào tháng Giêng tới, Bộ tứ được kỳ vọng sẽ tồn tại lâu dài. Theo vị quan chức giấu tên, "mặc dù Bộ tứ là nền tảng cho di sản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Biden, nhưng đang trở thành một thể chế sẽ tiếp tục định hình bối cảnh địa chính trị của khu vực".

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới cũng sẽ là lời tạm biệt Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, người sẽ từ chức sau khi quyết định không tái tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Người kế nhiệm Kishida được kỳ vọng sẽ duy trì cam kết đầy đủ của Tokyo đối với Bộ tứ.

Nhóm Bộ tứ (Quad) vốn là khuôn khổ hợp tác giữa 4 nước gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Nhóm Bộ tứ (Quad) vốn là khuôn khổ hợp tác giữa 4 nước gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Cách tiếp cận của ông Biden đối với Bộ tứ mang tính cá nhân sâu sắc, vốn được định hình từ niềm tin của ông đối với việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Khi chuyển hướng tập trung vào chính sách đối ngoại trong những tháng cuối nhiệm kỳ, ông chủ Nhà Trắng dự kiến ​​sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế, với lịch tham dự các Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru vào tháng 11 tới.

Đội ngũ của ông cũng đang tính đến các chuyến đi tới Đức và Châu Phi, cùng với cuộc đối thoại đang diễn ra với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến các liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vẫn là vấn đề trọng tâm khi đương kim Tổng thống tìm cách củng cố di sản của mình trong ngoại giao toàn cầu.

Trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh ngày 21/9 sẽ là tăng cường các quan hệ đối tác hiện có, song các nhà lãnh đạo cũng sẽ hướng tới mục tiêu mang lại kết quả hữu hình trên nhiều lĩnh vực. Các sáng kiến ​​về y tế và an ninh dự kiến ​​sẽ đóng vai trò nổi bật, cùng với các kế hoạch chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11 tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu những nỗ lực của ông Biden nhằm củng cố các liên minh trong khu vực có được tiếp tục trong chính quyền tiếp theo hay không, dù Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền từ năm 2025.

Với việc ông Kishida từ chức và ông Biden sắp mãn nhiệm, Hội nghị thượng đỉnh vào vài ngày tới sẽ là cuộc hội ngộ lần cuối cùng giữa các nhà lãnh đạo này trong khuôn khổ Bộ tứ. Cuộc gặp, như một lời chia tay, nhưng cũng có thể đại diện cho một thời điểm quyết định không chỉ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn đối với trật tự toàn cầu nói chung.

Theo baoquocte.vn