Quan tâm, theo dõi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là bài phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh (40 năm tuổi Đảng, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) rất tâm đắc với điểm mới của Hội nghị là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định để ba Ủy viên Trung ương Đảng sau khi bị kỷ luật, thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, các Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của Đảng, về những điều đảng viên không được làm để xảy ra nhiều sai phạm trong tổ chức, cơ quan do mình quản lý... Do vậy, việc bị kỷ luật, cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật là hết sức đúng đắn.

Từ việc kỷ luật trên cho thấy mục đích chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên là rất rõ ràng. Bởi tham nhũng, tiêu cực thường diễn ra ở những người có chức, có quyền, do tha hóa quyền lực mà gây tổn hại nhiều mặt đến đời sống xã hội, thậm chí vi phạm quyền con người. Vì vậy, thái độ trong chống tham nhũng, tiêu cực là phải thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Trong quá trình này, cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Hình ảnh tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Hình ảnh tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Theo đó, để đổi mới có hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, chúng ta cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ khi lựa chọn, bố trí cán bộ. Việc hàng loạt đảng viên, cán bộ cấp cao, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có hành vi vi phạm bị xử lý, thậm chí có tới 3 Ủy viên Trung ương khóa XIII dính líu đến vụ án Việt Á bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam chờ ngày xét xử chính là lời cảnh báo nghiêm khắc.

Nhân dân rất quan tâm, chú ý và đặt nhiều kỳ vọng vào quyết tâm, tinh thần đổi mới của Đảng. Có kết quả tốt sẽ củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nhưng chủ trương, Nghị quyết đạt kết quả hay không, thì không chỉ bằng lời nói hay, mà phải bằng quyết tâm “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải lấy hiệu quả trong thực tiễn làm thước đo. Để đổi mới có hiệu quả thì điều đầu tiên chính là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Cùng với việc làm chặt chẽ công tác cán bộ thì phải đánh giá thực chất kết quả của cán bộ, có hình thức sàng lọc và đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Quan trọng nữa là minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức. Tất cả phải làm nghiêm theo tinh thần ai có công thì được thưởng, ai có tội thì phải kỷ luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định thành công của Hội nghị Trung ương 6 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cả nước đang nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.

PV