THCL - Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 với chủ đề “Hội nhập Quốc tế – Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng” diễn ra sáng nay (16/9) tại Dinh Thống Nhất, TP HCM.

Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016

Chương trình nhận được sự chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ủy ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư của các Tỉnh, Thành phố khu vực Đông Nam Bộ tổ chức.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016, đồng chí Cao Đức Phát – (Ủy viên ban chấp hành TW Đảng) khẳng định, vùng Kinh tế Đông Nam bộ là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước. Đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Một số thành viên của vùng luôn là những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước với mức tăng GDP, thu hút FDI và hơn cả là khả năng cải thiện môi trường kinh doanh thuộc nhóm tốt nhất cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên, để phát huy được những tiềm năng, lợi thế của các tỉnh thành, nhất là những tỉnh "xa" như Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận, việc thúc đẩy liên kết vùng cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế là vô cùng quan trọng.

Theo TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh thế giới liên tục thay đổi, nền kinh tế nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng đang đứng trước ba thách thức cơ bản như tạo nguồn động lực để phát triển kinh tế; sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp; sự thay đổi của thị trường cung, cầu sẽ thay đổi cách vận hành của nền kinh tế. Để có thể thực hiện tốt quy hoạch vùng của Chính phủ, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ 3 giải pháp, gồm tạo ra nhiều công ăn việc làm và đặc biệt là phát triển các ngành nghề có năng suất cao; xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm có khả năng liên kết và cạnh tranh cao và nghiên cứu hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; xây dựng các cơ sở hạ tầng cứng và mềm nhằm tăng cường sức liên kết và cạnh tranh.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có những phân tích và chia sẻ về tiềm năng phát triển, thách thức, mong đợi về sức mạnh liên kết cứng và liên kết mềm của các địa phương trong khu vực, làm nên một không gian kinh tế thống nhất với sức tăng trưởng đột phá.

Phát biểu bế mạc chương trình, TS Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam cho biết, hội nhập sâu vào thị trường quốc tế trong những năm tiếp theo sẽ là cơ hội mới, nhưng cũng cần một nguồn lực mới để cơ hội trở thành hiện thực, thành sự phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà còn của các quốc gia trong khu vực.

Tuy vậy, cũng không thể tránh khỏi những cuộc cạnh tranh ngày càng có quy mô lớn hơn giữa các thị trường rộng và như vậy liên kết sẽ càng phải chặt chẽ hơn. Liên kết quốc gia, liên kết lãnh thổ và hẹp hơn là những liên kết vùng sẽ là chiến lược phát triển hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, sự thay đổi của thị trường cung cầu, phát triển của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế. Cạnh tranh sẽ không chỉ ở mức độ sản phẩm mà sẽ chuyển dần sang phân khúc các chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm và cao hơn nữa, sự cạnh tranh sẽ chuyển tới tận nghề nghiệp của từng cá nhân trong xã hội.

Việt Dũng