THCL Nhận định về việc hội nhập sẽ tác động như thế nào tới ngành chăn nuôi, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, với việc tham gia vào các FTA, nhất là TPP, trên 90% dòng thuế có thể giảm về 0%. Và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ… "tối như đêm 30".
Sản xuất bị đe dọa
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây cho thấy, trong tiến trình hội nhập, ngành chăn nuôi, sẽ chịu tác động tiêu cực nhiều nhất.
Theo đó, sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc NK, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và VSATTP thấp, liên kết lỏng lẻo dẫn đến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, gây bất lợi cho thương mại khi hội nhập. Sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp do cạnh tranh chính đến từ các nước tham gia TPP.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ngành chăn nuôi sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi Việt Nam gia nhập TPP và các FTA. Khi TPP có hiệu lực, NK trong ngành chăn nuôi, nhất là đối với mặt hàng thịt từ Mỹ, Úc hay sữa New Zealand… đều sẽ tăng cao và đe dọa nền sản xuất trong nước. Bởi sản phẩm của họ có khả năng tác động làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn bộ khối TPP nói chung và ảnh hưởng đến cấu trúc ngành chăn nuôi của các nước khác và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng.
Ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (cơ quan giúp đánh giá tác động TPP và AEC lên ngành chăn nuôi Việt Nam) cho hay, trong khi Viêt Nam dẫn đầu thế giới về XK gạo, cà phê, thì ngành chăn nuôi lại đang tụt lại phía sau, đặc biệt sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành và gia nhập TPP.
Đại diện nhóm nghiên cứu VEPR cũng cho rằng, khi hội nhập TPP và AEC, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm,…) chịu thiệt hại mạnh nhất.
Bên cạnh đó, sản lượng giảm cũng khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng, dịch chuyển dòng thương mại và phúc lợi của ngành chăn nuôi cũng là những yếu tố bị ảnh hưởng sau khi tham gia TPP và gia nhập AEC.
Đừng để thua trên sân nhà
Theo TS. Lưu Bích Hồ: "Vấn đề cơ bản của ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa hội nhập chính là đừng để thua trên sân nhà như vụ đùi gà Mỹ".
Trước những thách thức lớn của ngành chăn nuôi, để không thua trên sân nhà, TS. Hồ cho rằng: Trước hết, DN cần phải nâng cao chất lượng, giá cả, tiếp cận thị trường cho thật tốt. Điều quan trọng là phải tạo được chuỗi giá trị. Trong đó, đòi hỏi sự sáng tạo của DN, người nông dân và các cơ quan nghiên cứu khoa học. "Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Nếu làm tốt - sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp", TS. Hồ nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo viện nghiên cứu VEPR, cần chú trọng khuyến khích đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đi cùng với hệ thống giết mổ tập trung và phân phối, bán lẻ có làm lạnh.
Ngoài việc cải cách các yếu tố thương mại, phi thương mại, cũng cần phải cải cách về điều kiện kỹ thuật. Trong khía cạnh ngành chăn nuôi, cần cụ thể hóa và đẩy nhanh quá trình thực hiện các đề án tái cấu trúc, các kế hoạch hành động.
Ông Okiura Fumihiko cho rằng, để phát triển ngành chăn nuôi thì sự tham gia của khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Vai trò của Chính phủ ở đây không phải là dẫn dắt, mà chỉ nên hỗ trợ khối tư nhân phát triển nông nghiệp.
Đồng thời, Nhà nước nên có định hướng rõ ràng hơn về thuế phí, nhất là trong khuyến khích áp dụng công nghệ cao, HTX kiểu mới.
Ngành chăn nuôi nên ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen tiêu dùng (thịt tươi hơn thịt đông lạnh), do các rào cản thương mại tự nhiên (sữa tươi, trứng…) hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách… Nếu áp dụng các biện pháp tạm thời như lộ trình cắt giảm thuế quan, các biện pháp phi thuế quan thì cũng không nên duy trì quá lâu.
Theo VEPR, các giải pháp phát triển thị trường của DN cần được gắn liền với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và VSATTP.
Hiện nay, vấn đề thiếu minh bạch thông tin thị trường cũng là một trong những cản trở lớn đối với các DN. Chính vì thế, cần đề xuất lập quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi, cho phép truy xuất được các thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Khánh Yên (Thương hiệu & Công luận)