Ngày 28/7/2023, Sconnect, chủ sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo, gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Việt Nam để hỗ trợ trao đổi với YouTube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền thiếu căn cứ từ phía Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh – gọi tắt là eOne hay EO (chủ sở hữu Peppa Pig), đồng thời đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video Wolfoo bị xóa khỏi nền tảng.
Ngay sau khi Sconnect có đơn kêu cứu, ngày 2/8/2023, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng đã ký văn bản gửi các cơ quan: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đề nghị xem xét các hồ sơ liên quan trong vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig nhằm hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trên môi trường số.
Đồng thời, VDCA cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu Google/YouTube và các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian cần xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chờ phán quyết của tòa án được các bên khởi kiện.
Cùng ngày, VDCA đã có văn bản gửi Google, đề nghị xem xét kỹ lưỡng vụ tranh chấp, ngừng việc xóa, ngăn chặn video Wolfoo của Sconnect, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong khi chờ phán quyết của tòa án đang được các bên khởi kiện.
Văn bản của VDCA gửi Google nêu rõ, qua nội dung báo cáo và kiến nghị của Sconnect, VDCA nhận thấy việc tranh chấp bản quyền giữa 2 đơn vị là Sconnect và EO đã diễn ra thời gian dài, chưa có nhiều tiến triển để kết thúc vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Sconnect. Việc gỡ bỏ, xóa hơn 3.000 video Wolfoo khỏi nền tảng YouTube chỉ dựa theo báo cáo bản quyền của EO là không đúng theo trình tự quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, căn cứ theo Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP.
VDCA cho rằng, Sconnect đã thực hiện đúng quy trình về cung cấp thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ, hoặc ngăn chặn truy nhập tới nội dung thông tin số, kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh. Cùng với đó, Sconnect cũng đã có đơn kiện EO tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.
“Hiện Tòa án đã thụ lý và đang trong quá trình giải quyết vụ việc ,nhưng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian như YouTube vẫn thực hiện việc xóa, ngăn chặn video của Sconnect. Điều này cho thấy YouTube đã không thực hiện đúng theo quy định pháp luật Việt Nam”, văn bản gửi Google của VDCA nêu rõ.
VDCA luôn ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quy định pháp luật, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, và vì thế yêu cầu các doanh nghiệp quốc tế tuân thủ pháp luật nước sở tại khi kinh doanh tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số tại Việt Nam, các đơn vị cần thực hiện hoạt động cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Hà Trần