Theo đó, hơn 700 cá nhân và thực thể đã bị liệt vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran.

Những ngân hàng, mạng lưới kết nối tài chính bị đe dọa sẽ nhận trừng phạt nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể có tên trong danh sách đen do Mỹ liệt kê. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải cũng đã được khôi phục hoàn toàn.

Hôm nay (5/11), Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran - Hình 1

Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran (Ảnh: CNN)

Việc Mỹ khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran nhằm gây áp lực buộc Teheran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động mà Mỹ cho rằng Iran tài trợ khủng bố. Trong khi đó, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia này đều vì mục đích dân sự và phủ nhận mọi cáo buộc tài trợ cho khủng bố.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73 vào cuối tháng 9, ông Trump đã kêu gọi các quốc gia khác cô lập Iran. Tuy nhiên điều này có vẻ không mang lại hiệu quả, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua dầu từ Iran trong khi Anh, Pháp và Đức đã hứa sẽ tiếp tục các hoạt động kinh doanh với quốc gia hồi giáo này.

Các chuyên gia phân tích dầu mỏ và các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, kể cả khi lệnh trừng phạt của ông Trump có hiệu lực, Iran vẫn có thể xuất khẩu ít nhất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Đây là sự sụt giảm mạnh so với đỉnh điểm 2.5 triệu thùng/ngày trước khi ông Trump nhậm chức, nhưng là con số vừa đủ để nền kinh tế Iran có thể hoạt động cầm chừng, chờ đợi nhiệm kỳ ông Trump kết thúc.

PV