Theo đó, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãi suất huy động bất ngờ tăng mạnh với mức cao nhất lên đến 1,4%/năm. Đây là mức tăng hiếm hoi sau một lần điều chỉnh lãi suất của một tổ chức tín dụng.
Ghi nhận biểu lãi suất huy động trực tuyến của ABBank, kỳ hạn 1-2 tháng giữ nguyên lần lượt là 3,2% và 3,3%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng được ABBank tăng thêm 0,4%/năm lên 4%/năm, trong khi kỳ hạn tiền gửi 4 và 5 tháng được giữ nguyên ở mức 3,6%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn sau đó được điều chỉnh tăng rất mạnh khi kỳ hạn 6 tháng tăng 0,8%/năm lên 5,6%/năm; kỳ hạn 7 đến 11 tháng tăng tới 1,4%/năm, đồng loạt được niêm yết ở mức 5,8%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ABBank đã chính thức chạm mốc 6%/năm sau khi tăng 0,4%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 13 đến 60 tháng được giữ nguyên mức 5,7%/năm.
Đây là lần thứ hai trong tháng 6 ABBank tăng lãi suất huy động. Trước đó, vào ngày 6/6/2024 ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất đồng loạt từ 1-60 tháng. Trong đó, mức tăng mạnh nhất diễn ra với kỳ hạn 13 tháng lên đến 1,6%/năm. Đây là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng lần đầu tiên cán mốc lãi suất 6,1%/năm (các kỳ hạn từ 36 tháng) kể từ hôm nay sau khi điều chỉnh tăng 0,2%/năm tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến, 1-2 tháng 3,3%/năm, 3-5 tháng 3,4%/năm, 6-8 tháng 4,7%/năm, 9-11 tháng 4,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,2%/năm, kỳ hạn 13-15 tháng 5,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng 5,8%/năm, và kỳ hạn từ 36 tháng trở lên hiện có lãi suất cao nhất, lên đến 6,1%/năm. Đây là lần đầu tiên SHB tăng lãi suất huy động trong tháng này, qua đó trở thành ngân hàng thứ 23 tăng lãi suất huy động kể từ đầu tháng 6, đồng thời là ngân hàng thứ 4 niêm yết mức lãi suất lên đến 6,1%/năm (sau NCB, OceanBank, và HDBank).
Cũng trong sáng nay, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lần thứ hai kể từ đầu tháng tăng lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tăng thêm 0,2%/năm. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,7%/năm, 2 tháng là 3,8%/năm, 3-4 tháng là 3,9%/năm, và 5 tháng là 4,3%/năm.
Lãi suất huy động các kỳ hạn 6-15 tháng đồng loạt tăng 0,3%/năm. Theo đó, kỳ hạn 6-8 tháng tăng lên 4,9%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 5%/năm, và kỳ hạn 12-15 tháng tăng lên 5,2%/năm. OCB giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 18 tháng là 5,4%/năm, 21 tháng là 5,5%/năm, 24 tháng ở mức 5,8%/năm, và 36 tháng có lãi suất huy động cao nhất là 6%/năm.
Ngược lại, hôm nay Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã bất ngờ giảm lãi suất huy động từ hôm nay với mức giảm từ 0,1-0,2%/năm đối với một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,1%/năm, còn 4,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng, và 4,4%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 9-11 tháng.
Lãi suất huy động kỳ hạn 15-36 tháng được VIB giảm 0,2%/năm, còn 4,9%/năm đối với kỳ hạn 15-18 tháng, và 5,1%/năm đối với kỳ hạn 24-36 tháng. VIB giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, kỳ hạn 1-2 tháng là 3%/năm, và kỳ hạn 3-5 tháng là 3,3%/năm.
Trước đó, VIB đã hai lần tăng lãi suất huy động vào các ngày 03 và 11 tháng 6.
Theo thống kê từ đầu tháng 6 đến nay đã có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, và SHB.
Trong đó, GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, OceanBank, NCB, TPBank, PGBank, LPBank, OCB và ABBank đã hai lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 6.
Eximbank thậm chí đã 3 lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng, lần lượt với các kỳ hạn 1 – 12 tháng, 1 – 3 tháng, và 6 – 9 tháng. Tuy nhiên, ngân hàng này lại giảm 0,1%/năm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 15 – 36 tháng.
Tương tự, sau hai lần tăng lãi suất, VIB cũng đã giảm từ 0,1 – 0,2%/năm lãi suất các kỳ hạn 6 – 36 tháng.
Minh An (t/h)