Cụ thể, nội dung làm việc như sau:

Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Toàn cảnh phiên họp ngày 27/11 tại hội trường. Ảnh quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên họp ngày 27/11 tại hội trường. Ảnh quochoi.vn.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Trước đó, góp ý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ĐBQH tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban QP&QN của Quốc hội cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để ban hành Luật này, nhằm xây dựng chính sách đặc thù và lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổng kết việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) trên các lĩnh vực; từ công tác quản lý Nhà nước đến thực thi các chính sách cụ thể và từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột, nhất là cuộc xung đột Nga – Ucraina, Israel−Hamas đang diễn ra. Yêu cầu dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ Tổ Quốc, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như trên, tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, ban hành Luật này.

Một số chính sách đặc thù cho CNQP, AN đã được đề cập tại Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 (điểm a, khoản 1, Điều 21 về Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt), Nghị định 46/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng 2008 (Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, …), Nghị định 63/2020/NĐ-CP quy định về Công nghiệp an ninh (Chương III Chính sách, cơ chế đặc thù và chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh) … Các cơ chế, chính sách trên phần nào đã tạo hành lang pháp lý cho phát triển CNQP, CNAN.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay của đất nước và thế giới, những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này cũng đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế so với yêu cầu thực tiễn phát triển CNQP, CNAN (trong đó, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc).

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để phát triển nền CNQP, AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, không thể không có các cơ chế, chính sách đặc thù. Các chính sách đặc thù về CNQP cần được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện như: Về quy hoạch; Về nguồn vốn; Về thủ tục đầu tư; Về tổ chức của doanh nghiệp CNQP, AN; Về chính sách cho người lao động trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, Về chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ...

PV