THCL Đào tạo lao động thôn được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Trải qua 2 giai đoạn, đề án đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với những hạn chế còn tồn tại trong giai đoạn trước, liệu giai đoạn 2017-2020 có được như kỳ vọng?

Hơn 1.750 tỷ đồng đào tạo 900.000 lao động nông thôn - Hình 1Ảnh minh họa

Sáng 29/11 vừa qua, tại Hội thảo Công bố báo cáo nghiên cứu, tham vấn kế hoạch, khung hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra ra mục tiêu sẽ đào tạo được 90.000 lao động với số vốn phục vụ cho giai đoạn này là 1.750 tỷ đồng. Hội thảo cũng đặt ra mục tiêu, lao động nông thôn nâng cao thu nhập và có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt tỷ lệ trên 80%.

Giải thích lý do kế hoạch mới cần được nghiên cứu, tham vấn, để áp dụng vào thực tế trong giai đoạn hiện nay, ông Mai Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, nếu nguồn nhân lực tại nông thôn không được nâng cao, sẽ không đủ trình độ sản xuất hàng hóa nông nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Do đó, kế hoạch mới này sẽ chủ yếu đào tạo dạy thực hành cho lao động tại nơi sản xuất, lựa chọn các dự án phát triển sản xuất, an sinh xã hội, dự án cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp đang  xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghệ cao… sẽ là đối tượng được ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực.

Kế hoạch này cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế trong các quy định trước đó về đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn.

Những tồn tại được ông Trung dẫn chứng tại Quyết định 971/QĐ-TTg (ban hành năm 2015) sửa đổi quyết định 1956/QĐ-TTg (ban hành năm 2009) về đào tạo nghề nông thôn. Theo đó, mặc dù công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những bước tiến lớn từ quyết định 1956, tuy nhiên, nhiều địa phương không phân biệt rõ ràng giữa đào tạo nghề và tập huấn khuyến nông, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn người nông dân và đơn vị sản xuất.

Ông Hoàng Xuân Thành, chuyên gia tư vấn cho Báo cáo dự thảo Xây dựng Sổ tay hướng dẫn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố khi lên kế hoạch đào tạo nên có kế hoạch cụ thể gắn với những dự án cụ thể để đào tạo. “Đào tạo gắn với chuỗi giá trị và kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn của mỗi tỉnh sẽ đạt hiệu quả thực sự cho đào tạo nghề”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định việc đào tạo này chỉ là chất xúc tác, bởi để có hiệu quả thực sự cho đào tạo nhân lực, thì doanh nghiệp mới là đối tượng gốc. Mặt khác, để quá trình đào tạo thực sự hiệu quả, cần huyển đổi các lớp học hội trường thành các lớp học hiện trường và đòi hỏi nguồn lực giáo viên có trình độ rất cao.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc 2 bộ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể như tích hợp chính sách, đối tượng hỗ trợ, tiêu chí phân bổ kinh phí, thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ được giao xây dựng quy chế cụ thể về đặt hàng doanh nghiệp đào tạo nghề, liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề trong thực hiện đào tạo và tạo việc làm cho người lao động.

Mỗi tỉnh, thành phố cũng sẽ được lựa chọn 10 - 15 mô hình phát triển sản xuất lớn các ngành nghề trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản, nghề muối… làm thí điểm để nhân rộng.

Cũng tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, đào tạo nghề nông thôn phải rất cụ thể về kế hoạch, ví dụ ngành trồng trọt công nghệ cao cần có tiêu chí cụ thể trồng loại cây gì, gắn với thị trường xuất khẩu nào, tránh tình trạng đào tạo xong nhưng khi sản xuất ra hàng hóa lại không bán được. Điều này cũng đồng nghĩa với  việc đào tạo không đem lại hiệu quả thực tế.

Hải Minh