Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình đã ghi nhận gần 28.000 nhà dân bị ngập lụt với mực nước từ 50cm đến 2m, có nơi ngập sâu hơn 2m.
Huyện Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với hơn15.800 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, huyện Quảng Ninh có 11.540 ngôi nhà và thành phố Đồng Hới có khoảng 1.000 ngôi nhà bị nước lũ tràn vào.
Các sông lớn như sông Kiến Giang và sông Long Đại đang dâng cao, vượt mức báo động 3 khiến nhiều khu vực vùng trũng rơi vào tình trạng chia cắt. Nước lũ không ngừng dâng cao cuốn trôi nhiều tài sản của người dân và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng.
Tỉnh Quảng Bình đã di dời hơn 1.200 hộ dân với hơn 3.500 nhân khẩu ở các địa phương ngập nặng, vùng nguy hiểm. Nhiều trụ sở, trường học, làng mạc tại huyện Lệ Thủy chìm trong nước lũ với độ sâu từ khoảng 1,5- 2m.
Trong chiều 28/10, chính quyền huyện Lệ Thủy đã trao đổi và tạm dừng việc cứu hộ của một số nhóm cứu hộ ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã liên hệ để được tham gia hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn. Vì hiện tại nước lũ ở đang ở mức cao, chảy xiết, những nhóm cứu hộ từ xa đến không quen con nước và địa hình. Các đoàn cứu hộ đi bằng xuồng, cano vào tâm lũ sẽ rất nguy hiểm và không đảm bảo an toàn.
Tối 28/10, mưa vẫn tiếp diễn khiến mực nước lũ chưa có dấu hiệu rút, thậm chí tại một số xã vùng trũng nước lũ vẫn đang tiếp tục lên chậm. Hiện nay chính quyền địa phương, Công an, quân đội đang tiếp tục về địa bàn vùng trũng để hỗ trợ di dời người dân.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng các lực lượng khác đã chủ động bám địa bàn, thiết lập cảnh báo, hướng dẫn và triển khai biện pháp đảm bảo an toàn trong mưa lũ.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình có 3 người tử vong do mưa lũ, 3 tàu đánh cá bị chìm, hàng trăm ha hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão lũ.
Khánh Trình