Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), qua kết quả kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ và lựa chọn ngẫu nhiên các khách hàng để kiểm tra ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện và xử lý kiến nghị cho thấy, việc sai sót trong thời gian qua tại một số đơn vị được báo chí nêu là các trường hợp cá biệt.

Tọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chứcTọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức

Nguyên nhân bởi lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện. Do vậy, các đơn vị trong EVN đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan.

Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết: “Đối với các khách hàng phản ánh qua trung tâm chăm sóc khách hàng khi thấy hoá đơn tiền điện tăng cao, chúng tôi sẽ đi kiểm tra, kiểm định công tơ của khách hàng. Đa phần khách hàng đồng ý với cách giải quyết của ngành điện lực”.

Nói về việc phúc tra hoá đơn tiền điện tăng cao, ông Dũng khẳng định công tác này được thực hiện ngay sau chỉ đạo của Cục Điều tiết Điện lực. EVN đã chỉ đạo đến điện lực các địa phương phúc tra lại toàn bộ hoá đơn điện của khách hàng tăng 30%.

Khi ghi chỉ số hoá đơn điện, theo ông Dũng mỗi công nhân ghi chỉ số được trang bị một máy tính bảng. Thiết bị này tích hợp sẵn phần cảnh báo sản lượng 30% cho công nhân điện biết. Khách hàng nào có chỉ số điện tăng 30% so với những tháng trước, công nhân điện lập tức kiểm tra tại hiện trường.

Ngoài ra, ở các công ty điện lực còn có một bộ phận nhận dữ liệu chỉ số công tơ mà công nhân điện mang về. Bộ phận này nhận danh sách những khách hàng có chỉ số công tơ tăng 30%, sau đó sẽ mang đi phúc tra. Tuy nhiên, theo ông Dũng có những trường hợp đã phúc tra, nhưng vẫn chưa thực sự chính xác, vẫn xảy ra một số sai sót, điều này rất hãn hữu.

Bên cạnh đó, cũng theo giải thích của EVN, các công tơ điện hiện nay đều đã qua kiểm định và được đưa vào sử dụng trong thực tế hiện nay đều có một vài sai số nhất định, nhưng đều nằm trong biên độ cho phép. Khi cơ quan kiểm định chất lượng công tơ điện đều được thực hiện trong môi trường tối ưu như phòng thí nghiệm, có nhiệt độ tiêu chuẩn nên sẽ có sai số nhất định khi công tơ điện lắp đặt và sử dụng trong điều kiện môi trường thực tế, nhiệt độ nóng lạnh cũng như độ ẩm ở những thời điểm khác nhau, phụ thuộc theo mùa của thời tiết.

Về kết quả xử lý hoá đơn sai, hỏng do nguyên nhân sai chỉ số trong tháng 6.2020, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, có 6.271 khách hàng phải điều chỉnh lại hoá đơn, trong đó có 519 trường hợp huỷ bỏ hoàn toàn hoá đơn, huỷ bỏ lập lại hoá đơn là 3.828 trường hợp, truy thu do sai gây giảm cho khách hàng là 1.249 trường hợp, thoái hoàn do sai gây tăng cho khách hàng là 675 trường hợp.

Theo ông Bùi Trung Dũng (Vụ Đo lường Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN) cho hay, thời gian vừa qua, trong những đợt kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ và tính hóa đơn tiền điện, đoàn kiểm tra đã ghi nhận có 1.025 trường hợp yêu cầu kiểm tra công tơ và sau khi kiểm tra thì hầu hết đều đạt theo sai số cho phép. Chỉ có 6 công tơ (0,58%) cho sai số, nhưng đến nay, ngành điện cũng đã có xử lý, thực hiện hoàn tiền, thu tiền với những trường hợp này.

Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, người dân đang thiếu thông tin và ngành điện cần truyền thông nhiều hơn nữa. EVN có thể tuyên truyền để khách hàng biết được mức tiêu thụ hàng ngày, cảnh báo tiêu thụ quá cao, qua đó không bị quá bất ngờ khi thấy hóa đơn cuối tháng.

Nếu để dồn vào cuối tháng với con số lớn thì người dân sẽ “sốc”, trong khi cảnh báo số tiêu thụ hàng ngày, người dân sẽ cân đối được phương án sử dụng tiết kiệm hơn.

Trúc Mai