THCL Thâm hụt ngân sách tăng là vấn đề do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Theo HSBC ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước – đáng chú ý là của chính quyền trung ương và địa phương, cộng với bảo lãnh chính phủ) đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015.Dự báo năm 2016 sẽ tăng lên 64,5% GDP, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65% trong 2017.
Tỷ lệ nợ công trên GDPcó thể sớm đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội trong năm nay
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 6/2016, HSBC nhận định biên độ giao động cho chính sách tài chính đang bị giới hạn. Cụ thể, thâm hụt trong năm 2010 và 2011 vẫn nằm trong vòng kiểm soát, nhưng gia tăng đáng kể trong năm 2012. Từ đó, thâm hụt ngân sách vẫn tăng cao và ước tính đạt mức 6% trên GDP vào năm 2015.
Ngân sách của Việt Nam suy giảm có thể bắt nguồn từ các nguồn thu giảm (mặc dù tình trạng thiếu kiểm soát chi tiêu cũng là một vấn đề), đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô giảm và nguồn thu từ thuế cũng có chiều hướng giảm.
Nguồn thu từ dầu mỏ chiếm 4,3% GDP năm 2012, nhưng dựa trên biến động của giá hàng hóa, HSBC ước tính, con số này chỉ còn 1,5% GDP trong năm 2015. Ngược lại, nguồn thu từ các ngành ngoài dầu mỏ (chủ yếu là thuế) lại tăng mạnh trong những năm gần đây, mặc dù xu hướng này cũng đang chậm lại.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), xét về hiệu suất thu thuế, Việt Nam đang trội hơn các nước trong khu vực nhưng cơ sở này lại đang dần mai một. Ví dụ, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn đã giảm từ 25% xuống còn 22% vào tháng 1/2014 và nằm ở mức 20% vào ngày 1/1/2016. Hơn nữa, vùng kinh tế đặc biệt và một số lĩnh vực ưu tiên cao được áp dụng mức thuế ưu đãi như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, phần mềm. Trong khi đó, doanh thu thuế quan vẫn chịu áp lực, do Việt Nam đang tham gia ngày một nhiều các hiệp định thương mại tự do.
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng yêu cầu Việt Nam gỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan đối với các đối tác thương mại TPP trong vòng mười năm tới (tuy triển vọng phê chuẩn TPP vẫn chưa chắc chắn do thái độ tranh luận tại Mỹ). Trong khi đó, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng sẽ là thách thức ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh. Vào năm 2015, thu nhập không chịu thuế gia tăng góp phần làm giảm doanh thu từ thuế. Nhưng xu hướng này không có khả năng sẽ kéo dài. HSBC dự đoán thâm hụt ngân sách tiếp tục được nới rộng trong năm 2016, đạt mức 6,6% GDP.
Theo khuyến nghị của HSBC, trong trung hạn, cải cách tài chính nên tập trung vào 3 vấn đề chính là mở rộng nguồn thu, chi tiêu công hiệu quả và điều chỉnh phương pháp kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Để tăng nguồn thu, cần có các biện pháp hành chính nhằm hạn chế trốn thuế, công bố các trường hợp gian lận thuế và đơn giản hóa quá trình hoàn thuế VAT. Thực hiện biện pháp trên có thể giúp bù đắp được phần suy giảm do giảm thuế trên nhiều lĩnh vực và suy giảm nguồn thu thuế xuất nhập khẩu.
Về chi tiêu công, theo HSBC, lương cơ bản cần được điều chỉnh để tạo cơ hội cho đầu tư công và các biện pháp chi tiêu xã hội chính như là giáo dục. Việc điều chỉnh này cần được tiến hành sâu rộng hơn và các chính sách dịch vụ dân sinh hiệu quả, toàn diện.
Điều chỉnh phương pháp kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế: Điều chỉnh kế toán tài chính phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế sẽ tạo điều kiện dễ dàng so sánh xuyên quốc gia. Truyền thông tài chính được cải thiện có thể giúp nâng cao nhận thức thị trường về nguy cơ và gia tăng trách nhiệm cùng khả năng quản lý.
Tin vui là những cải cách này đang trong quá trình thực hiện: vào năm 2017, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn báo cáo tài chính mà theo đó chi phí đầu tư ngoài ngân sách sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều. Hiện tại, HSBC nghĩ tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến.
Ngọc Linh