Dùng xe cơ giới đào, xúc, xây kè bê tông cốt thép
Trùng tu, tôn tạo hay phá nát di tích
Được biết, Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832. Công trình kè được đắp bằng đá gan gà (một loại đá núi) theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Đây là một phần trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993.
hình ảnh cũ - kỹ thuật xếp đá không dùng vữa
Hình ảnh mới- xây vữa kết dính
Năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định 1918/QĐ-UBND phê duyệt Dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế" với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2020.
Trong tổng thể dự án này có phần "Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ thành hào bao gồm kè đá, lòng hào, tuyến phòng lộ và các bến cổng" có tổng chiều dài gần 20km (gồm hai mặt hào). Theo hồ sơ dự án, phương án tu bổ là "Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ".
Tuy nhiên, trên thực tế khi dự án bắt đầu được khởi công từ cuối năm 2018 đến nay đã thi công xong đoạn kè dài gần 1.000m, từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài. Trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công đã dùng xe cơ giới phá bỏ nhiều đoạn kè nguyên gốc để thay thế bằng vật liệu mới như đá granit, phần chân móng đúc bê-tông cốt thép chứ không phải là xếp đá gan gà nguyên gốc thi công theo phương pháp thủ công.
Chiều 12/4, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công có phần sơ suất, sai sót. Ông cho biết: “Đơn vị thi công đã sử dụng các phương tiện cơ giới trong quá trình hạ giải tuyến kè, gây ra những hình ảnh phản cảm. Sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm khi xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình”.
Ý kiến của các nhà nghiên cứu
Được biết, ngày 19/9/2018 Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có văn bản gởi TTBTDTCĐ Huế lưu ý: "Lựa chọn một số đoạn kè còn tốt (được xây dựng bằng kỹ thuật truyền thống, đảm bảo đủ kích thước và ổn định về khả năng chịu lực) để gia cố chân móng, tu bổ theo hiện trạng". Thế nhưng thực tế thi công đã theo hướng ngược lại, phá bỏ, xây mới không tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di sản.
Ths. Trần Thanh Bình (nguyên giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế) cho biết: Hội đồng khoa học (HĐKH ) luôn giữ quan điểm phải bảo tồn tính nguyên vẹn cả về kiến trúc, kết cấu kỹ thuật và màu thời gian của di tích, chỉ phục hồi đối với những chỗ bị sụp đổ, hạn chế tối đa làm mới. Đồng thời, trong quá trình thi công trùng tu di tích, nếu có những vấn đề nảy sinh mà trong quá trình khảo sát chưa lường hết thì cần phải mời HĐKH tới thảo luận để có phương án mới.
PGS.TS Đỗ Bang - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng: Bảo tồn di tích không chỉ với dấu tích trên mặt đất mà còn cả dấu vết, hiện vật dưới mặt đất. Lẽ ra khi tháo dỡ bờ kè cần phải có nhân viên chuyên môn khảo cổ học của phòng nghiên cứu, như quy định của luật Di sản văn hóa.
Dùng xe xúc, đào bới cả đoạn bờ kè
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông thì có ý kiến: Việc xới tung và xây lại tất cả bằng loại đá granit là việc làm tùy tiện bất chấp, nhưng rất ư kinh tế : Khỏi phải vét, thu nhặt đá cũ, khỏi phải xử lý rắc rối với tình trạng từng đoạn kè hư hỏng ở những mức độ khác nhau. Sắp đặt và tận dụng đá cũ phải chùi rữa để có thể kết dính với vữa sẽ vô cùng mất công.... (Thực ra đá cũ nếu có rơi vãi thì chỉ trụt xuống lòng hồ chứ không đi đâu cả). Nếu công tác bảo tồn mà chỉ nghĩ đến việc thuận lợi, tiện ích,và kinh tế, bất chấp đúng sai, cũng như bất chấp những thỏa thuận buộc phải thực hiện theo tinh thần biên bản của HĐKH thì đúng là không còn gì để nói.
Kè được xây mới sai nguyên tắc bảo tồn
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì đặt câu hỏi “Phải chăng việc trùng tu, tôn tạo đang rơi vào tay nhóm lợi ích”. Ông đề nghị: Cần xử lý Nhóm lợi ích cấu kết rút ruột ngân sách, phá hoại di tích không những trong công trình tu bổ bờ kè trước Kinh thành Huế đang diễn ra hiện nay mà còn phải thanh tra toàn bộ những công trình mà TTBTDTCĐ Huế và Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung thực hiện. Nếu Nhóm lợi ích này không được xử lý thì khó giữ được lòng tin của người dân Huế …
Bà Trần Thị Hoài Trâm cho biết, ngày 19/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi TTBTDTCĐ Huế. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TTBTDTCĐ Huế khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế, quá trình quản lý giám sát, thi công hạn mục kè hộ thành để đánh giá xác minh các nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác tu bổ, tôn tạo đoạn kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài.
Trên cơ sở đó xác định, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên. Không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Đồng thời rà soát tiếp thu các ý kiến của các tổ chức, cá nhân nhằm nghiên cứu kỹ các giải pháp thực hiện các đoạn kè tiếp theo. Đảm bảo tính khoa học, theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về xây dựng và bảo tồn di sản văn hóa.
Trần Minh Tích