Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và nhóm nghiên cứu “Site and Space in Southeast Asia” (Di tích và Không gian ở Đông Nam Á) chụp hình lưu niệm
“Site and Space in Southeast Asia” là một chương trình hợp tác nghiên cứu nhân học quốc tế được hình thành cách đây 2 năm tại Los Angleles. Chương trình tập trung so sánh đối chiếu các vấn đề liên quan đến sự thay đổi trong hệ sinh thái lịch sử của 03 thủ phủ thuộc 03 quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Á là Huế (Việt Nam), Penang (Malaysia) và Yangon (Myanmar).
Chương trình “Site and Space in Southeast Asia” quy tụ được đội ngũ chuyên gia thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, cụ thể là: kiến trúc, lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, và công nghệ lưu trữ đến từ nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Singapore, và Việt Nam. Nhóm nghiên cứu Huế do cô Caroline Herbelin - Giám đốc điều phối dự án tại Huế, Đại học Toulouse, Pháp làm trưởng đoàn. Với các thành viên nghiên cứu đến từ Đại học Sydney – Úc; Đại học Kỹ thuật Nanyang - Singapore; Phòng trưng bày quốc gia Singapore; Đại học Malaya; Đại học Toulouse và Dumbarton Oaks. Với nguồn tài trợ từ tổ chức Getty và các đối tác trong và ngoài khu vực, chương trình “Site and Space in Southeast Asia” nhằm hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo về nghệ thuật và lịch sử kiến trúc của khu vực, phát triển mạng lưới chuyên nghiệp giữa các học giả và mở rộng hợp tác với một tổ chức có quy mô toàn cầu
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế tặng quà lưu niệm
Sau 02 năm đi vào hoạt động, nhóm nghiên cứu liên ngành quốc tế này đã có cuộc làm việc chung đầu tiên tại Singapore, và sau đó là buổi trao đổi văn hóa-lịch sử với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào ngày 03/8/2018 tại Huế. Trong buổi gặp gỡ, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm đã trao đổi, giới thiệu tổng quan về lịch sử-văn hóa triều Nguyễn, đặc trưng phong thủy trong kiến trúc các lăng mộ hoàng gia thời Nguyễn, và công tác bảo tồn-phát huy các giá trị di sản của Huế. Các thành viên của đoàn nghiên cứu Chương trình “Site and Space in Southeast Asia” đã có chia sẻ về đặc thù nghiên cứu của từng chuyên gia trong nhóm với các mảng đề tài có góc nhìn sâu về sự phát triển không gian của thành phố Huế và vùng Huế, đặc biệt là sự thay đổi cảnh quan các khu rừng xung quanh và cơ sở hạ tầng nước của thành phố từ thế kỷ 19, 20 cho đến nay. Cô Caroline Herbelin đã trao đổi về “Sự thay đổi của đô thị Huế thế kỷ 19” (tập trung về sự thay đổi của cảnh quan, nguồn nước, rừng đầu nguồn và hệ sinh thái lịch sử ); và “Sự sống và chết ở Huế” (tập trung vào cuộc sống thường nhật và nhà ở của thường dân cùng phủ đệ của quan lại, lăng mộ…). Đề tài “Phát triển đô thị ở Huế” của KTS trẻ Yến Phi (Nghiên cứu sinh ở Anh), và “Đóng góp của công nghệ số trong bảo tồn di sản” chuyên gia người Singapore thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang - Singapore cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm.
Đoàn đi khảo sát di tích Huế, thăm các công trình đang trùng tu
Đoàn đã có một số hoạt động khảo sát di tích Huế, thăm công trình đang trùng tu và gặp gỡ trao đổi với các chuyên gia, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản, tìm hiểu thêm về kiến trúc vườn ngự và lăng tẩm Huế…
Mục đích và kết quả của chương trình nghiên cứu này sẽ được chia sẻ kiến thức về Huế trên trang web của Site and Space: https://www.siteandspace.org/ bằng cách sử dụng các dữ liệu kỹ thuật số và các thông tin thu thập từ các nguồn khác nhau (các nguồn chủ yếu thu thập được từ các tư liệu tiếng Anh, Việt, Trung, Hán Nôm, Pháp, hay phỏng vấn trực tiếp nhân chứng, và cả các thông tin trực quan từ kết quả nghiên cứu, khảo sát).
Cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Chương trình “Site and Space in Southeast Asia” và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là sự khởi đầu cho một chương trình nghiên cứu hợp tác lâu dài phục vụ công tác bảo tồn di sản ở Huế nói riêng và ở khu vực Đông Nam Á nói chung.
Hy vọng trong tương lai rất gần, chương trình hợp tác nghiên cứu này sẽ đóng góp hữu ích cho công tác nghiên cứu và bảo tồn Di sản Huế.
Hoàng Gia Bảo