Hoang sơ Cà Đam
Cà Đam là ngọn núi thuộc vùng chiến khu cách mạng, nơi làm nên cuộc khởi khởi nghĩa Trà Bồng quật khởi ngày 28/08/1959.Theo các nhà nghiên cứu khoa học, Cà Đam là vùng đất được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí Triều Nguyễn. Sách xưa ghi rõ, Cà Đam có tên gọi là núi Vân Phong “Hình núi cao chót vót lên giữa từng trời, đứng xa trông thấy tươi sáng. Chót núi dờn dợn mây bay, suốt ngày khí sắc như lúc trời mới sáng hay sau cơn mưa tạnh. Tỉnh Quảng Ngãi có 10 thắng cảnh. Đây là một cảnh “Vân phong túc võ”( núi Vân mưa đêm).
Hiện nay, vùng rừng Cà Đam, suốt ngày mây lửng lờ trôi, vẫn còn có nhiều lâm sản và dược liệu quí như: Sa nhân, Hà thủ ô, Ngũ gia bì, Trầm hương, mật ong hoa quế và nhiều loài gỗ quí (Lim, Sao dổi, Trắc, Kiền Kiền, Mun...). Đặc biệt, cây chè và quế là những loại cây phát triển khá tốt trên vùng đất này. Phía dưới chân núi Cà Đam, Chủ tịch UBND xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, Hồ Văn Ba, chỉ tay về ngọn núi giới thiệu: Ngọn núi cao to như chiếc nón khổng lồ chính là ngọn Cà Đam. Ngay dưới sườn núi là thôn Quế, nơi có 79 hộ, với 348 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cor sinh sống. Đồng bào trong thôn sống nhờ từ lúa rẫy, săn bắn và khai thác mật ong, chuối rừng.Thời gian qua, nhờ một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con không bị đứt bữa. Tuy nhiên, đời sống của các hộ vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thương nhất là lũ trẻ con ở thôn Quế, nhiều đứa bị suy dinh dưỡng và chuyện học hành cũng nhiều dở dang.
Theo Chủ tịch xã, chúng tôi tìm về thôn Quế, gặp già làng Hồ Văn Thiết, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Vui mừng mời khách vào nhà, ăn miếng trầu, uống cốc nước chè xanh, già Thiết say sưa kể cho chúng tôi nghe chuyện buồn, vui ở thôn Quế: Mấy năm nay, dù nghèo, nhưng bà con hiểu được tầm quan trọng của rừng, không còn chặt phá, đốt cây rừng bừa bãi, mà tập trung vào bảo vệ rừng và khai thác lâm sản phụ từ rừng. “Thôn Quế có nhiều cây chè tự nhiên lắm. Có cây cao to sống 70-80 năm rồi đó. Cây chè ở đây lớn tuổi hơn mình. Dưới chân núi Cà Đam còn có rất nhiều quế cổ thụ”, già Thiết khoe.
Theo lời già làng, ở đây còn có thác Ba Tầng. Một trong những ngọn thác đẹp nhất miền Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Quanh năm nước chảy ào ạt. Dưới chân thác là rừng già và các khe suối nước trong veo. Mùa hè sau một ngày lên nương rẫy, lũ thanh niên trong vùng thường tìm về bên thác nước Ba Tầng ngâm mình giải nhiệt.
Ước muốn của dân làng
Đêm ở thôn Quế Cà Đam, nhiệt độ chỉ 17-18 độ C, trời se se lạnh, cảm giác giống đêm trên cao nguyên Đà Lạt. Ngồi bên ánh lửa hồng bập bùng nghe đánh chiêng, già Thiết trầm ngâm rồi nói: “ Mình già rồi, mình chỉ mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng Cà Đam trở thành khu du lịch sinh thái, để con cháu mình bớt khổ. Mai kia du lịch phát triển cây chè, cây quế và cây sâm bảy lá, sẽ là sản phẩm độc đáo của vùng núi Cà Đam”.
Tiếp lời già làng Thiết, Chủ tịch xã Hồ Văn Ba bộc bạch: Muốn thôn Quế phát triển, thì phải đầu tư phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các khu nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch thập phương. Dưới chân núi Cà Đam cần xây dựng làng nghề để bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của người Cor, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, đường đã về được đến thôn Quế và đã có Viện dược học, Bộ Y Tế, đầu tư đưa cây Khôi Nhung, cây Đẳng sâm vào trồng được 4,5ha. Mùa trồng rừng năm nay đã có 60 hộ đăng ký nhận cây quế con về trồng. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất thôn Quế hiện nay là cả thôn vẫn còn 73 hộ nghèo.
Ý tưởng là vậy, nhưng để biến ý tưởng ấy thành hiện thực, nghe trong lời nói, câu chuyện của già làng Thiết và Chủ tịch xã, dường như ngày ấy vẫn còn xa lắm…?.Chỉ biết chắc một điều là, người Cor dưới chân núi Cà Đam huyền ảo mây trôi, hàng ngày vẫn còn nhọc nhằn tìm miếng cơm từ nghề rừng. Con đường thoát nghèo của người Cor ở dưới chân núi Cà Đam vẫn còn lắm gian nan. Chia tay Cà Đam, một sáng mùa Thu, chúng tôi về phố thị mang theo bao ước mơ của đồng bào Cor thôn Quế và hy vọng một ngày không xa, nơi đây sớm trở thành điểm du lịch lý tưởng của miền đất quế Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Bài và ảnh : Trần Đình Quang