Sự xuất hiện của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ đó, Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước, với nhiều dự án lớn khác như: Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP... Có thể nói, Nhà máy lọc dầu  Dung Quất được coi là "thỏi nam châm" để thu hút đầu tư, cũng như là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp.

Thay  đổi cơ cấu kinh tế

Thời điểm khi tách tỉnh năm 1989, Quảng Ngãi là một tỉnh thuần nông, một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đất sản xuất ít, thiên tai thường xuyên; cơ sở hạ tầng thấp kém; nguồn ngân sách hạn hẹp và mất cân đối, việc đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Quảng Ngãi một vùng đất phù hợp xây dựng nhà máy lọc dầu và với tầm nhìn liên kết, thúc đẩy kinh tế phát triển của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước được đặt ở Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hy vọng về một sự thay đổi của tỉnh Quảng Ngãi được hé mở. Nhà máy lọc dầu  Dung Quất được xem như là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi, từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Điểm sáng trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi
Nhà máy lọc dầu Dung Quất 

Ngày 08/01/1998, lễ khởi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất được diễn ra với sự hân hoan của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Những tưởng mọi thứ thuận lợi như dự tính ban đầu, chỉ sau 3 năm sẽ cho ra dòng sản phẩm đầu tiên, song gặp cuộc đại khủng hoảng kinh tế tại châu Á và nhiều lý do khác, phải đến ngày 17/02/2009, nhà máy mới cho ra dòng sản phẩm đầu tiên. Từ đây, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi có bước phát triển mới. Năm 1996, xác định được Nhà máy lọc dầu  Dung Quất sẽ là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào công nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Khu công nghiệp Dung Quất và sau này trở thành Khu kinh tế Dung Quất. Với động lực từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu kinh tế Dung Quất ngày càng phát triển, công nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, so với năm tái lập tỉnh (1989), đến gần đây GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh) tăng gấp 19,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gấp 5,02 lần; công nghiệp - xây dựng tăng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%/năm; dịch vụ tăng 10,85%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 chỉ đạt 601 tỉ đồng, đến năm 2019 đã tới 124.870 tỉ đồng, gấp gần 207 lần; tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 19,5%/năm. Những đóng góp to lớn đó phần lớn đến từ Khu kinh tế Dung Quất, trong đó, BSR là “thỏi nam châm khổng lồ” thu hút đầu tư.

Đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh

Nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đều thừa nhận, sự đóng góp của Nhà máy lọc dầu  Dung Quất cho sự phát triển của tỉnh là rất lớn. Những con số thống kê về tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu  Dung Quất) đã chứng minh điều đó. Lớn dần theo từng năm, nguồn thu từ Nhà máy lọc dầu  Dung Quất luôn chiếm khoảng 80-85% tổng thu ngân sách của tỉnh, đưa Quảng Ngãi vào nhóm các tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn của cả nước. Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi Nhà máy lọc dầu  Dung Quất đi vào hoạt động.

Nhân sự vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại phòng điều khiển trung tâm nhà máy.
Nhân sự vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại phòng điều khiển trung tâm nhà máy

Thời điểm năm 1989, thu ngân sách của Quảng Ngãi chỉ đạt 16 tỉ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp Nhà nước và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đến nay, thu ngân sách tỉnh ước đạt 20.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2015, thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 25.000 tỉ đồng/năm, số thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu.Từ khi nhận bàn giao từ nhà thầu TPC, BSR luôn vận hành Nhà máy lọc dầu  Dung Quất ổn định ở 100 - 107% công suất.

Tính từ thời điểm vận hành thương mại đến tháng 08/2022, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhập thành công hơn 1.100 chuyến tàu dầu (gần 90 triệu tấn dầu thô), sản xuất hơn 80,1 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn trên 200 nghìn tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, BSR đã vận hành Nhà máy lọc dầu  Dung Quất an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả ở công suất tối ưu để đem lại doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận sau thuế ở mức cao. Doanh thu BSR đạt 87.865 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước đạt 10.636 tỷ đồng.

Nói về những thành quả của Công ty, ông Nguyễn Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BSR chia sẻ: “Kết quả sản xuất kinh doanh từ 2009-2022 đã chứng minh rằng việc đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần gia tăng nộp ngân sách cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu cho quốc phòng. Đồng thời là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ và cơ cấu kinh tế cho khu vực miền Trung. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, đưa ngành lọc hoá dầu của Việt Nam vươn tầm khu vực”.

Thái Sơn