Khu du lịch Bản Mạ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Thường Xuân là huyện có tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, những năm qua, Thường Xuân đã huy động các nguồn lực để phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Công tác phát triển du lịch được huyện quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đến nay, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch từng bước hoàn thiện; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được thực hiện nghiêm túc với 6 quy hoạch về du lịch đang thực hiện; các quy hoạch hoàn thành đã tiến hành công bố và đưa vào quản lý quy hoạch theo quy định. Giai đoạn 2021-2023, Thường Xuân ước đón trên 162.000 lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 30 tỷ đồng.

Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” năm 2023
Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” 

Toàn huyện có 16 cơ sở lưu trú với nhiều loại hình du lịch đa dạng, từ du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nổi bật như khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ; khu di tích lịch sử, thắng cảnh Cửa Đạt và lòng hồ thủy điện Cửa Đạt; nhiều sản phẩm ẩm thực đặc trưng; sản phẩm OCOP hấp dẫn phục vụ du khách.

nnn
Huyện Thường Xuân chú trọng xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn, những năm qua, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch được huyện quan tâm. Theo đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm du lịch như: Lòng hồ Cửa Đạt, điểm du lịch tâm linh đền thờ Cầm Bá Thước - Bà chúa thượng ngàn; Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Hội thề Lũng Nhai; điểm du lịch cộng đồng ở bản Vịn, thác Yên, thác trai gái thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án cũng đã đưa ra định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc một cách có cơ sở khoa học, hệ thống, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững. Chú trọng tới mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của cộng đồng DTTS ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại huyện Thường Xuân.

Các hoạt động văn hóa, thể thao nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo bà con nhân dân
Các hoạt động văn hóa, thể thao được huyện Thường Xuân tổ chức thường niên 

Việc thúc đẩy, phát huy tiềm năng du lịch sẽ giúp huyện Thường Xuân giới thiệu quảng bá thế mạnh về văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực và các sản phẩm đặc sản của đồng bào, phát triển thương mại, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Theo thống kê, quý I năm 2024, huyện Thường Xuân đã đón được 81.794 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm; doanh thu du lịch ước đạt 22,1 tỷ đồng.

An Nhiên