Trước đó, ngày 29/4/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 2612/UBND-NLNI giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND huyện Vân Đồn kiểm tra thực tế xác định cụ thể nguyên nhân hiện tượng sá sùng chết tại đây, theo phản ánh của người dân địa phương.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế ngày 06/5/2021, gồm đại diện: Sở NN&PTNT; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông vận tải; Viện Nghiên cứu Hải sản; Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc; UBND huyện Vân Đồn; UBND xã Quan Lạn; Ban đại diện giám sát cộng đồng xã Quan Lạn; Công ty TNHH Quang Minh. Tổng cộng thành viên đoàn công tác 20 người.

Công việc đào con sá sùng đã nuôi sống nhiều gia đình ở huyện Vân Đồn
Công việc đào con sá sùng đã nuôi sống nhiều gia đình ở huyện Vân Đồn

Đoàn công tác đã kiểm tra khảo sát và thu mẫu quan trắc môi trường ngoài thực địa tại 02 khu vực: Khu vực thuộc dự án nạo vét vùng nước trước bến và luồng vào bến cập tàu Đồng Hồ, xã Quan Lạn của Công ty TNHH Quan Minh; Khu vực bãi sá sùng cộng đồng thuộc các thôn: Đông Nam, Thái Hòa, Tân Phong (xã Quan Lạn): Tọa độ 20053'10” và 107929'28”; diện tích khoảng 300 ha.

Ngoài ra, Đoàn công tác còn tiến hành thu thập thông tin từ người dân khai thác sá sùng bằng phiếu phỏng vấn nhanh.

Tại thời điểm kiểm tra thực địa ngày 06/5/2021 khu vực Đông Bắc bến cập tàu Đồng Hồ, Đoàn công tác nhận thấy không thấy có hiện tượng sá sùng chết tại vị trí đổ thải của Công ty TNHH Quan Minh cũng như tại các bãi sá sùng tự nhiên mà người dân thường khai thác. Không ghi nhận xuất hiện các hang cư trú của sá sùng tại bãi tập kết sản phẩm nạo vét của Công ty TNHH Quan Minh. Công ty đã thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường; có xây dựng đê bao khu vực đổ chất nạo vét bằng vải địa kỹ thuật nhồi cát bên trong.

Tổng hợp kết quả phỏng vấn nhanh từ hơn 15 ngư dân khai thác tại bãi sá sùng Quan Lạn và người dân sống xung quanh bãi sá sùng thì có 02/15 người phản ánh đã có sá sùng chết nhưng chỉ chết rải rác; 13/15 người không cho biết tên và từ chối cung cấp thông tin; do vậy, đoàn công tác không có thông tin đầy đủ để đưa ra kết luận.

Kết quả phân tích mẫu thông số hóa - lý - sinh trong môi trường nước tại các điểm thu mẫu đều có giá trị trong ngưỡng sinh trưởng và phát triển của sá sùng. Riêng mẫu trầm tích thu tại bãi sá sùng khai thác cộng đồng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của sá sùng, mẫu trầm tích thu tại bãi thải tập kết có thành phần tỷ lệ cát 2,9%, và tỷ lệ bản 89,7% không phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của sá sùng (Kết cấu trầm tích thích hợp cho sá sùng phát triển tỷ lệ cát 75 - 99%).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa và kết quả phân tích mẫu, Sở NN&PTNT (đại diện liên ngành) đề xuất, kiến nghị: UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác sá sùng theo đúng phương pháp, ngư cụ được phép khai thác; thời gian cấm khai thác sá sùng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 3818/2016/QĐ-UBND ngày 11/11/2016.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án vét luồng vào khu vực trước bến cập tàu Đồng Hồ (xã Quan Lạn) và một số dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với UBND huyện Vân Đồn, cần tiếp tục phối hợp với UBND xã Quan Lạn giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền (nếu có) đối với các hoạt động triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng và các dự án phát triển kinh tế xã hội khác có tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường…

Trang Nguyễn