Báo cáo của IEA ước tính, tồn kho công suất năng lượng mặt trời có khoảng 45 gigawatt (GW) ở Mỹ và 90 gigawatt ở EU vào cuối năm ngoái, gần gấp đôi lượng lắp đặt dự kiến cho năm 2024.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, gió và năng lượng mặt trời sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản xuất điện của Mỹ trong hai năm tới sau khi đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo mới.
Tình trạng dư thừa đã khiến giá các tấm pin mặt trời giảm gần 50% vào năm 2023 do mức sản xuất cao gấp ba lần so với mức được ghi nhận vào năm 2021 và IEA nhận thấy tình trạng dư cung vẫn đang tiếp tục diễn ra.
“Dựa trên danh mục các dự án sản xuất, công suất năng lượng mặt trời sẽ mở rộng lên hơn 1.100 GW vào năm 2024 và 1.300 GW vào năm 2028, đạt mức cao hơn gấp đôi công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời hàng năm trong giai đoạn dự báo”, theo báo cáo.
Mặc dù các quốc gia khác - cụ thể là Mỹ, Ấn Độ và khu vực ASEAN - đang nỗ lực cải thiện công suất, nhưng Trung Quốc sẽ chiếm 85% năng lực mở rộng sản xuất năng lượng mặt trời vào năm 2028. Tuy nhiên, việc mở rộng chuỗi cung ứng hơn nữa sẽ không đáp ứng được tăng trưởng của nhu cầu và tỷ lệ sử dụng sản xuất toàn cầu sẽ giảm.
Theo báo cáo, tỷ lệ sử dụng sản xuất đã giảm mạnh 60% vào năm 2023 và có thể giảm xuống dưới 40% trong 4 năm tới. Điều này không chỉ có nghĩa là giá các tấm pin năng lượng mặt trời thậm chí còn thấp hơn mà còn dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất kém hiệu quả hơn chắc chắn sẽ bị thiệt thòi vì tình trạng dư thừa công suất và giá các tấm pin năng lượng mặt trời thấp làm tăng thêm những thách thức tài chính.
“Để tồn tại trong một thị trường cạnh tranh như vậy, các nhà sản xuất đang tập trung vào việc cắt giảm chi phí và đổi mới. Các công ty lớn, tích hợp theo chiều dọc sẽ có lợi thế vì họ có thể kiểm soát chi phí trên toàn bộ chuỗi giá trị”, IEA cho biết.
Hà Trần (t/h)