Trước tình trạng cấp GCNQSDĐ tồn đọng nhiều gây bức xúc trong Nhân dân, ngày 30/5/2022 Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Sau khi chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kết luận số 251/KL-HĐND ngày 2/6/2022 yêu cầu UBND tỉnh, các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục để lấy lại niềm tin từ phía người dân.
Theo báo cáo kết quả giám sát do Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đinh Ngọc Thúy trình bày tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Khóa XVIII, việc thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Để Kết luận số 251/KL-HĐND mang lại hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND cấp huyện theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian giải quyết”.
Ngoài tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm nhiều trường hợp khó khăn, phức tạp tại xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa), xã Hoạt Giang (Hà Trung), thôn Yên Bái, xã Tế Lợi (Nông Cống)..., lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa đã làm việc trực tiếp với UBND 16 huyện, thị xã, thành phố về công tác rà soát, thống kê, phân loại hồ sơ đăng ký đất đai tại địa phương; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với UBND các huyện, thị, thành phố và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
27/27 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác để chỉ đạo công tác cấp GCNQSDĐ; đồng thời xây dựng kế hoạch để giải quyết số hồ sơ tồn đọng.
Duy trì giao ban với công chức địa chính cấp xã định kỳ hằng quý và 6 tháng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân.
Qua rà soát, thống kê, phân loại, hồ sơ tồn đọng về đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa là 11.159 hồ sơ. Đối với cấp huyện, năm 2022 là 67.773 trường hợp; năm 2023 là 75.068 trường hợp; năm 2024 là 55.623 trường hợp.
Để giải quyết số hồ sơ tồn đọng rất lớn này, Sở TN&MT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch giải quyết. Đến nay, có 17 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch giải quyết các trường hợp tồn đọng đúng thời gian yêu cầu.
Hướng đến sự minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức như: Niêm yết đầy đủ bộ TTHC về đăng ký, cấp giấy chứng nhận; lắp camera giám sát và công khai số điện thoại đường dây nóng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; công khai, minh bạch các thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình giải quyết; kịp thời xứ lý các phản ánh, thắc mắc của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết TTHC. Hiện nay, 100% hồ sơ tiếp nhận và giải quyết được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Tại Sở TN&MT có 5 TTHC lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết được cắt giảm thời từ 20 - 40% so với quy định.
Với sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm, từ 1/6/2022 đến 30/6/2024, toàn tỉnh tiếp nhận 488.784 hồ sơ về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình và cá nhân. Kết quả, đã giải quyết 435.587 hồ sơ đạt (đạt 89,1%), trong đó quá hạn 4.667 hồ sơ (chiếm 1,07% so với tổng số hồ sơ đã giải quyết).
Tình trạng hồ sơ quá hạn tuy chưa được khắc phục một cách triệt để bởi nhiều lý do, song từ con số hơn 2,4% giai đoạn 2019 – 2021 giảm còn 1,07% giai đoạn 2022 - 2024 cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Văn phòng đăng ký đất đai từ tỉnh đến cơ sở cũng như UBND các cấp.
Qua đó cho thấy, niềm tin của người dân cũng đang dần được tạo dựng.
Hoài Thu