(THCL) _ Theo phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Niêm và vợ là bà Ích Thị Phương Mai, trú tại Số 19, tiểu khu Trần Phú (Thường Tín, Hà Nội) thì: Năm 2010, ông bà có cho em họ là bà Nguyễn Thị Thường), nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì “mượn” sổ đỏ của gia đình ông thế chấp vay 3 tỷ đồng từ NH TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) để có vốn làm ăn…
Ông Nguyễn Ngọc Niêm
Lập khống hồ sơ
Theo đó, tháng 10/2010, bà Thường cùng ông Huỳnh Việt Hà (nguyên Phó phòng Giao dịch SHB Từ Liêm, Chi nhánh Thăng Long), cùng hai cán bộ khác xuống nhà ông để hỏi mượn sổ và “tư vấn” thủ tục vay vốn cho bà Thường, thông qua việc mượn sổ đỏ của gia đình ông Niêm cũng như làm các thủ tục kê khai, định giá tài sản.
“Tất cả các giấy tờ và hồ sơ xin vay vốn đều do bà Thường và cán bộ SHB đi hoàn thiện rồi mang về cho tôi ký. Có một số nội dung không đúng với thực tế như xe hơi tự lái, nhà nghỉ cao cấp…, nhưng khi tôi thắc mắc thì ông Hà có nói là phải làm như vậy thì mới vay được tiền. Nghĩ đây là “phó phòng giao dịch” thì đưa ra cách tư vấn đúng nên tôi mới tin tưởng ký vào”, ông Niêm nói.
Cũng theo ông Niêm, trước đó, ngày 19/8/2010, bà Thường có viết “Giấy cam kết và trách nhiệm”, có sự chứng kiến và dấu xác nhận của ông Huỳnh Việt Hà về việc ngôi nhà 05 tầng trên đất không được tính là tài sản thế chấp (chỉ tính thế chấp 317,6 m2 đất ở), cũng như trách nhiệm trả lãi hàng tháng là của bà Thường.
Số tiền vay, bà Thường cũng nhận trực tiếp từ phía SHB chứ không thông qua gia đình ông Niêm, việc đóng tiền lãi định kỳ hàng tháng, bà Thường cũng thực hiện đầy đủ trong 8 tháng đầu. Đến tháng thứ 9, bà Thường đã nhờ gia đình ông Niêm trả giúp tiền lãi 01 tháng tiếp theo và đến cuối năm 2011, bà Thường tuyên bố vỡ nợ do làm ăn thua lỗ.
Cuối năm 2011, do bà Thường không thanh toán lãi hàng tháng đầy đủ và hợp đồng vay vốn hết hạn nên cán bộ của SHB đã nhiều lần thúc giục vợ chồng ông Niêm tìm cách giải quyết khoản tiền đã vay.
Sau nhiều lần ông Niêm liên lạc với bà Thường nhắc nhở và yêu cầu trả lãi NH đúng thời hạn nhưng không được, cuối năm 2012, bà Thường bỏ trốn, gia đình ông Niêm không thể liên lạc được.
Do khoản nợ đã quá hạn và cũng không nộp tiền lãi hàng tháng nên SHB đã khởi kiện gia đình ông Niêm, yêu cầu tiến hành phát mại tài sản thế chấp. Điều đáng nói là ngôi nhà 05 tầng của gia đình ông Niêm không hề có tên trong hợp đồng thế chấp tài sản trước đó, nhưng cũng được SHB đưa vào “danh mục” tài sản thế chấp được phát mại.
Trách nhiện của SHB đến đâu?
Cũng theo ông Niêm, phía SHB cũng không hề đề cập tới trách nhiệm của bà Thường và ông Hà trong vụ việc này, khi đây là hai người trực tiếp làm toàn bộ hồ sơ giấy tờ, cũng như “phù phép” để mảnh đất của gia đình ông Niêm “bay” ra mặt đường Trần Phú và hàng loạt sai phạm trong quá trình lập hồ sơ vay vốn.
Ông Niêm bức xúc: “Trong bản hợp đồng thế chấp tài sản không hề có bất cứ giấy tờ nào chứng minh ngôi nhà nằm trong số tài sản mà tôi dùng để thế chấp vay vốn. Vậy mà phía SHB nhất quyết muốn phát mại nó. Ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của con trai tôi, không hề liên quan tới việc vay vốn”.
Theo Bản hợp đồng thế chấp tài sản số 003808/quyển số 39/HĐTC được ký giữa vợ chồng ông Niêm và SHB, Chi nhánh Thăng Long, tài sản được thế chấp để bảo đảm cho việc vay vốn, bao gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ: Thị trấn Thường Tín (Thường Tín). Tại Biên bản định giá tài sản lập ngày 03/12/2010, tài sản thế chấp được xác định, gồm: “Nhà và đất tại thửa đất số 121, Tờ bản đồ số 05 có địa chỉ tại số 19 đường Trần Phú, thị trấn Thường Tín”. Cụ thể, tài sản “nhà” được miêu tả chi tiết: diện tích sử dụng: 500 m2; diện tích xây dựng: 100 m2; kết cấu nhà: bê tông; số tầng: 05.
Tuy nhiên, trong cả 2 bản hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản, các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp chỉ có duy nhất GCNQSDĐ số AĐ 479032, số vào sổ cấp GCNQSDĐ 00816 do UBND huyện Thường Tín cấp ngày 25/5/2006 cho vợ chồng ông Niêm. Ngoài ra, không hề có bất cứ giấy tờ, hồ sơ nào khác chứng minh ngôi nhà 05 tầng trên gắn với mảnh đất này, hoặc căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Niêm tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Tại “Biên bản định giá tài sản thế chấp” lập ngày 03/12/2010, tài sản thế chấp, là thửa đất mà ông Niêm được cấp GCNQSDĐ nói trên, đã được cán bộ của SHB “chuyển” ra mặt đường, tại địa chỉ số 19 đường Trần Phú, trục chính dẫn vào UBND huyện Thường Tín, có sơ đồ kèm theo. Nhưng trên thực tế, nhà ông Niêm lại nằm sâu trong ngõ, đường vào lòng vòng và cách mặt đường đến gần 1 km.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó giám đốc, phụ trách Phòng Giao dịch 422 Hồ Tùng Mậu cho biết, do mới về tiếp nhận phòng này (được 3 tháng) và không tiếp nhận toàn bộ hồ sơ cũ từ trước nên mọi hồ sơ được chuyển về Chi nhánh Thăng Long, ông Quang không nắm được các thông tin liên quan đến vụ việc.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ tới SHB, Chi nhánh Thăng Long, nhưng đơn vị này liên tục thoái thác cung cấp thông tin liên quan tới vụ việc.
Ông Đặng Duy Phú, Phó giám đốc, Chi nhánh cho biết, ông Hà đã xin nghỉ việc tại SHB, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên tòa nên không có thông tin gì để cung cấp cho báo chí.
Ông Nguyễn Kim Thắng, Trưởng phòng Hành chính nhân sự SHB Thăng Long cũng cho biết: “NH không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải cung cấp cho bên báo”. Ông Thắng yêu cầu phóng viên lên tòa để lấy thông tin, mặc dù việc ông Niêm tố cáo cán bộ SHB lập hồ sơ khống để rút tiền không có trong nội dung xét xử.
Vậy trách nhiệm của Phòng giao dịch Từ Liêm và SHB, Chi nhánh Thăng Long đến đâu khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác thẩm tra, xác minh hồ sơ vay vốn, cũng như xử lý vi phạm của những cán bộ liên quan?
Nhóm PV