Dữ liệu trong bài viết được trích từ báo cáo “Nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng ngành F&B 2023” được Mibrand Vietnam thực hiện tháng 6/2023 với phương thức khảo sát trực tiếp với 400 thực khách tại TP Hà Nội & TP Hồ Chí Minh.
Đối tượng tham gia khảo sát phân bổ đều ở nhiều mức thu nhập và nhiều độ tuổi. Phần lớn họ đến từ khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, học sinh và sinh viên cũng là một nhóm đối tượng quan trọng trong khảo sát.
Thực khách tại 2 thành phố lớn đi ăn tại nhà hàng/quán ăn vì những lý do nào?
Nhìn chung, những lý do chính để khách hàng đi ăn ngoài đó là “Tiện lợi tụ tập bạn bè” với gần 55% khách hàng lựa chọn và “Không có thời gian nấu ăn” với 45% khách hàng lựa chọn. Đối với họ, việc đi ăn ngoài cung cấp một cơ hội tốt để tụ tập và gặp gỡ bạn bè và gia đình. Nhà hàng, quán ăn hay quán cafe đều có thể trở thành nơi mọi người tận hưởng ẩm thực và kết nối, giao tiếp với nhau. Bên cạnh đó, đi ăn ngoài giúp họ cảm thấy tiện lợi, tiết kiệm thời gian, thay vì phải tốn công chuẩn bị cũng như dọn dẹp.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nhóm khách hàng có thu nhập 20-30 triệu/tháng và nhóm thu nhập trên 30 triệu/tháng có xu hướng lựa chọn nhiều vào lý do “Không có thời gian nấu ăn” hơn so với 2 nhóm khách hàng có thu nhập thấp hơn. Điều đó cho thấy những nhóm khách hàng này ưu tiên sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian hơn, có thể bởi tính chất công việc bận rộn, hạn chế thời gian
Nhóm khách hàng có thu nhập càng cao thì càng có xu hướng đi ăn ngoài nhiều
Phần lớn khách hàng ở tất cả phân khúc thu nhập có xu hướng đi ăn ngoài khoảng 1-3 lần/tuần. Có đến 37% khách hàng với mức thu nhập dưới 10 triệu đồng thường có xu hướng đi ăn ngoài chỉ 1-2 lần/tháng. Trong khi đó, có tới 13% khách hàng có mức thu nhập trên 30 triệu đồng đi ăn ngoài hàng ngày
Người có thu nhập càng cao thì càng có xu hướng đi ăn ngoài nhiều hơn. Khả năng tài chính cao hơn cho phép họ chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động ăn uống. Hơn nữa, nhóm người này thường có lịch trình công việc bận rộn nên việc đi ăn bên ngoài giúp họ tiết kiệm thời gian so với việc nấu ăn tại nhà. Họ cũng có thể tụ tập với bạn bè, đồng nghiệp hoặc bàn bạc công việc với đối tác kinh doanh trong một không gian thoải mái và thuận tiện.
Ngoài mạng xã hội, website thương hiệu cũng là kênh tìm kiếm thông tin quán ăn quan trọng của khách hàng
Quảng cáo của các thương hiệu F&B được 91% khách hàng thường xuyên bắt gặp trên các kênh thông tin đa dạng. Trong số đó, mạng xã hội đứng đầu danh sách là nguồn thông tin hàng đầu mà khách hàng thường xuyên tham khảo khi muốn tìm hiểu về các thương hiệu ăn uống (chiếm 77%). Website chính thức của các thương hiệu cũng là một nguồn thông tin uy tín, chiếm 42% tỷ lệ sử dụng và được xem như một kênh đáng tin cậy mà khách hàng tin dùng.
Chúng tôi đánh giá website thương hiệu đang là một kênh thông tin quan trọng để chuyển đổi người quan tâm thành khách hàng. Sau khi khách hàng nhận biết và bị thu hút bởi quảng cáo của thương hiệu trên các mạng xã hội và báo chí, họ sẽ tìm hiểu thông tin trên website thương hiệu. Vì vậy, tạo ra một website thương hiệu với giao diện phù hợp, dễ hiểu và thông tin rõ ràng sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi những người hứng thú thành khách hàng
Facebook và TikTok vẫn đang là 2 kênh mạng xã hội được nhiều khách hàng sử dụng nhất hiện nay, đã trở thành những phương tiện quan trọng để khách hàng tìm hiểu và tạo niềm tin vào các thương hiệu Thực phẩm/Đồ uống.
Mỗi nhóm khách hàng thường lui tới một loại hình quán ăn khác nhau
Khi phân tích dựa trên thu nhập của khách hàng, chúng tôi nhận thấy nhóm khách hàng có thu nhập trên 30 triệu đồng có xu hướng lựa chọn các nhà hàng (80%) để sử dụng dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, khách hàng có thu nhập càng thấp hơn thì càng thiên về những loại hình như Quán ăn vỉa hè, Quán ăn nhỏ trong ngõ và Quán ăn nhỏ mặt phố - những địa điểm có giá thành phù hợp với túi tiền của họ.
Giao hàng trực tuyến đang nổi lên như một lựa chọn yêu thích của nhóm khách hàng có thu nhập trên 30 triệu, với 50% người thường xuyên sử dụng dịch vụ này. Đó là bởi nhóm khách hàng này muốn thưởng thức những món ăn “đúng gu” tại nhà hàng ưa thích mà không cần mất thời gian và công sức để đến tận nơi.
Chi phí khách hàng sẵn sàng bỏ ra
Mức chi phí trung bình khách hàng chấp nhận bỏ ra cho mỗi lần ăn ngoài cũng có sự khác biệt giữa các bữa ăn ngoài thông thường và các bữa ăn vào những dịp đặc biệt. Với mỗi bữa ăn thông thường, 30% khách hàng sẵn sàng chi trả trong khoảng 40.000-60.000 đồng/bữa và 31% khách hàng có thể chi lên đến trên 80.000 đồng/bữa.
Đáng chú ý, một lượng lớn khách hàng có thu nhập cao vượt quá 30 triệu VNĐ hàng tháng đã có xu hướng không chi tiêu quá cao cho những bữa ăn thông thường, chỉ ở mức từ 40-60 nghìn VNĐ. Tuy nhiên, vào các dịp đặc biệt, họ lại dễ dàng chi ra trên 1 triệu VNĐ để thưởng thức một bữa ăn tuyệt vời. Trái ngược lại, những người với thu nhập trung bình, từ 10-20 triệu VNĐ/tháng, lại có xu hướng chi tiêu cao cho một bữa ăn thông thường (trên 80 nghìn VNĐ). Nhưng khi đến với những bữa ăn đặc biệt, họ lại chi tiêu khiêm tốn hơn, dưới 1 triệu VNĐ cho mỗi bữa ăn.
Sau khi tổng hợp các thông tin về nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng, chúng tôi rút ra một số bài học sau đây cho các thương hiệu F&B:
Khách hàng thường đi ăn ngoài với lý do chính là để tụ tập, hội họp, cùng với đó là sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức thay vì tự chuẩn bị.
Nhóm khách hàng có thu nhập càng cao thì càng có xu hướng đi ăn ngoài nhiều hơn. Nhóm khách này không chỉ mua hàng thường xuyên mà còn có giá trị mua hàng cao. Vì vậy, đối với nhóm này, việc có các chương trình khách hàng trung thành và các hoạt động chăm sóc cá nhân hóa, như là thư cảm ơn hoặc tin nhắn chúc mừng vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm hay các sự kiện cá nhân khác là rất quan trọng.
Đối với nhóm khách hàng thu nhập thấp, họ thường chọn đi ăn vào những dịp đặc biệt. Do đó, cần có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi vào những dịp này để hấp dẫn và thúc đẩy họ đến thưởng thức món ăn.
Ngoài việc đầu tư vào các kênh truyền thông xã hội, website thương hiệu cũng là kênh quan trọng nhất mà khách hàng truy cập và nghiên cứu nhiều nhất. Thương hiệu cần đảm bảo rằng website của họ đẹp, hiển thị đầy đủ thông tin và minh bạch về giá cả.
Ngoài ra, các thương hiệu cần chú ý đến việc thiết lập mức giá phù hợp cho từng phân khúc khách hàng.
Theo Mibrand Vietnam