Thiệt hại thảm khốc từ bão Yagi và hoàn lưu sau bão
Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng hợp báo cáo của các địa phương một số thiệt hại thống kê từ cơn bão Yagi và mưa lũ đến 17h00 ngày 14/9/2024, đã có 352 người chết, mất tích (276 người chết, 76 người mất tích); 1.908 người bị thương; 168.253 nhà hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị thiệt hại; 73.248 nhà bị ngập.
Về nông nghiệp, 183.394ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 44.071ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 23.661 ha cây ăn quả bị hư hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 9.079 con gia súc, 1.956.449 con gia cầm bị chết.
Đến nay đã xảy ra 305 sự cố đê điều (tăng 172 sự cố so với báo cáo ngày 12/9) trên địa bàn 14 tỉnh/thành phố Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Tuyên Quang. Trong đó, 182 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 123 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III.
Theo thống kê sơ bộ của huyện Vân Đồn, bão Yagi (bão số 3) đã gây thiệt hại trên 2.200 tỉ đồng cho ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỉ đồng; cá biển trên 500 tỉ đồng; hải sản khác gần 400 tỉ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ. Còn tại TP. Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Tái thiết sau siêu bão
Bão số 3 (bão Yagi) được nhận định là cơn bão có cường độ mạnh, tăng nhanh, mạnh nhất trong 30 năm qua, tăng cấp không theo quy luật, thời gian lưu bão trên đất liền dài hiếm có, diễn ra trên diện rộng. Những thiệt hại của cơn bão Yagi vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng mà vẫn còn đang tiếp tục được thống kê.
Bão số 3 đi qua nhưng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đang để lại những hậu quả nặng nề tại 12 tỉnh thành phía Bắc. Cùng với công tác cứu hộ, cứu nạn, việc khôi phục đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân đang đặt ra.
Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai - Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai - cho biết, đối với khu vực miền núi phía Bắc, hiện nay, có 3 nhóm giải pháp khẩn cấp.
Thứ nhất, phải đánh giá nhanh mức độ thiệt hại về nhà, nhà nào có mức độ thiệt hại nhỏ cần khẩn trương khắc phục để ổn định đời sống cho hộ dân đó.
Thứ hai, có thể hỗ trợ cho các hộ dân xung quanh có một nơi ở an toàn. Đối với những nhà bị sập đổ hoàn toàn hoặc những khu vực lớn bị sạt lở, phải tái thiết xây dựng lại.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, phải đảm bảo nơi ở mới hỗ trợ người dân sau thiên tai an toàn, phát triển bền vững về sinh kế. Do vậy, đối với những khu vực tái định cư bắt buộc, phải có những chính sách hỗ trợ ngay cho người dân ở tạm nhà người thân hoặc hàng xóm. Sau đó, quy hoạch nơi ở mới, đảm bảo ổn định lâu dài và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.
Nhiều hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long bị "mất trắng" sau bão số 3. Mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải tiếp tục bám biển, từng bước khôi phục lại hoạt động nuôi trồng, đánh bắt. Tuy nhiên, do quá trình đầu tư nuôi biển, đánh bắt thủy hải sản phải vay mượn ngân hàng, giờ tài sản bị thất thoát, hư hỏng, các hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản rất cần ngân hàng có chính sách miễn hoặc giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để nhân dân mạnh dạn tái đầu tư, tái thiết cuộc sống.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – nhận định, hậu quả của cơn bão sẽ có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng của một số địa phương phía Bắc như trên trong nửa cuối tháng 9 và trong quý IV.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống ảnh hưởng lụt bão, ổn định cuộc sống người dân nơi vùng lũ lụt, phát triển kinh tế những tháng cuối năm, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, lũ cần phải chủ động phòng chống, ứng phó với bão lụt, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.
Di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt, sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng, thu dọn vệ sinh, môi trường; đặc biệt tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Cùng với đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kịp thời cập nhật các kịch bản tăng trưởng, lạm phát; phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Quan trọng nhất, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn về thế chấp, tín chấp, kế hoạch kinh doanh để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp cận vốn.
Chống lũ lụt đi đôi với khôi phục sản xuất, đó là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân và cũng chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả, thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra. Các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão để tái thiết cuộc sống và phục hồi và phát triển kinh tế sau bão.
Tại Nghị quyết 128/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên tối đa cho thúc đẩy tăng trưởng, tập trung cao độ khắc phục hậu quả bão số 3; điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng...
Nghị quyết nêu rõ, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, trong đó, lạm phát phải kiểm soát dưới 4,5% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội.
Trong đó, chú trọng một số nội dung trọng tâm gồm: Ưu tiên tối đa cho thúc đẩy tăng trưởng; nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng; bảo đảm nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội; điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công;
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế; không để người dân thiếu ăn, thiếu ở, học sinh thiếu lớp, người bị thương thiếu nơi khám chữa bệnh; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; triệt để xóa bỏ cơ chế xin - cho từ khâu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phát triển hệ thống an sinh xã hội theo hướng bao trùm, bền vững, đa dạng.
T. Hương (Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/)