Theo Bộ trưởng, nếu chính sách này được duy trì, mỗi năm ngân sách sẽ không thu khoảng 7.500 tỷ đồng, song đây là khoản miễn đã được thực hiện từ trước nên không gây ảnh hưởng đến nguồn thu thực tế của ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các nghị quyết hiện hành (55/2010/QH12, 28/2016/QH14 và 107/2020/QH14) trong giai đoạn từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Bộ trưởng cho biết việc tiếp tục miễn thuế này không làm giảm thu ngân sách nhà nước, do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

“Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế như hiện nay đến hết ngày 31/12/2030, số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm”, ông Thắng thông tin.

Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn

Việc kéo dài thời hạn miễn thuế được cho là nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 5,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Lo ngại về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được duy trì suốt nhiều năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, ông cũng dẫn ý kiến từ một số thành viên Ủy ban cho rằng, việc miễn thuế đại trà có thể làm giảm động lực sử dụng đất hiệu quả, dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, lãng phí hoặc cản trở quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.

Ông kiến nghị rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để có thể thiết kế chính sách miễn, giảm thuế như một công cụ thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực.

Phương Thảo(t/h)