Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2025
Theo Kế hoạch số 3495/KH-UBND ngày 27/11/2024 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa 2025 với chủ đề: “Không gian Di sản văn hóa biển, đảo Khánh Hòa” sẽ diễn ra từ ngày 07/6 đến ngày 09/6/2025. Trong đó: Lễ Khai mạc vào lúc 20h10 ngày 07/6/2025, với tên gọi: “Ngọc sáng biển Đông”; Chương trình Canaval đường phố, trình diễn thể thao trên biển diễn ra vào lúc 14h00 ngày 08/6/2025, với tên gọi: “Phố biển vào hội”. Lễ Bế mạc diễn ra vào 20h10, ngày 09/6/2025, tên gọi: “Biển, đảo yêu thương”. Địa điểm tổ chức tại Quảng trưởng 2/4, thành phố Nha Trang.
Các nhóm hoạt động trong Chương trình Festival Biển 2025 sẽ diễn ra trong thời gian: tháng 6/2025: Tập trung tại thành phố Nha Trang (Quảng trưởng 2/4, sân bóng Thanh niên, các tuyến đường dọc bờ biển đường Trần Phú, thành phố Nha Trang), và các huyện, thị xã, thành phố; gồm: Nhóm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; Nhóm các lễ hội văn hóa truyền thống; Nhóm các hoạt động triển lãm, sáng tác; Nhóm các hoạt động thể thao biển truyền thống, thể thao biển quốc tế; Nhóm các hoạt động du lịch; Nhóm các hoạt động ẩm thực; Nhóm các hoạt động thương mại (sẽ có Kế hoạch triển khai riêng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan).
Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Lễ hội truyền thống Tháp Bà Ponagar Nha Trang được tổ chức hàng năm, nhằm ca ngợi và ghi nhớ công đức của Thánh mẫu Thiên Y A Na - Bà Mẹ Xứ Sở, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung, là nơi lưu giữ tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt và Chăm; được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1979. Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Trong những năm qua, Di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar Nha Trang luôn nhận được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, Tháp Bà Ponagar Nha Trang thường xuyến đón khách tham quan vào tất cả các ngày, trong đó có chương trình đặc biệt phục vụ du khách vào các đêm mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.
Lễ hội Am Chúa
Am Chúa là một địa điểm tâm linh nổi tiếng tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, nơi thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết, núi Đại An được cho là nơi Thánh Mẫu Thiên Y A Na giáng trần và sinh sống trong thời thơ ấu. Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã dạy cho người dân địa phương các kỹ năng như trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và canh tác. Đền Am Chúa là nơi ghi nhớ công đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na và là trung tâm diễn ra Lễ hội Am Chúa thường niên vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội Am Chúa di sản văn hóa quan trọng của người dân Nha Trang - Khánh Hòa, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của địa phương, và thu hút khách du lịch,
Lễ hội Cầu ngư
Lễ hội nghinh Ông - Nha Trang, còn được gọi là Lễ hội Cầu Ngư Nha Trang hoặc Lễ hội Cá Voi Nha Trang, tên gọi thay đổi tùy theo vùng miền, là một lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của ngư dân vùng biển tỉnh Khánh Hòa. Lễ hội là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính với cá Ông (cá voi), một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người dân địa phương. Lễ hội bao gồm nhiều nghi thức và hoạt động đặc trưng. Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa diễn ra vào mùa đánh bắt hải sản hàng năm, trong 3 ngày 3 đêm, vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch.
Nơi diễn ra lễ hội tâm điểm là Lăng Ông - nơi thờ Ông Nam Hải, cả trong làng và ngoài biển,. Tháng 6/2014, Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2025 Lễ hội Cầu ngư sẽ được tổ chức theo Nhóm các lễ hội văn hóa truyền thống trong Chương trình Festival Biển 2025 tại công viên bờ biển thành phố Nha Trang, từ ngày 07/6/2025, và tại các địa phương: huyện Vạn Ninh, huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh.
Lễ hội Yến sào
Lễ hội Yến Sào được tổ chức vào ngày 10/5 Âm lịch hàng năm, tại đảo Yến- Hòn Nội, vịnh Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là sự kiện văn hóa quen thuộc của người dân tại Nha Trang, tôn vinh truyền thống lịch sử ngành nghề Yến sào. Thông qua lễ hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức đan xen giữa nét truyền thống và hiện đại, góp phần làm đa dạng bức tranh lễ hội Nha Trang.
Tháng 12/2024, Tri thức khai thác và Chế biến Yến sào Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống. Năm nay, Lễ hội Yến sào được tổ chức theoNhóm các lễ hội văn hóa truyền thống trong Chương trình Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa 2025, tại Công viên Yến sào Khánh Hòa, đường Phạm Văn Đồng thành phố Nha Trang, dự kiến đầu tháng 6/2025.
Theo sở Du lich Khánh Hòa, năm 2024 Khánh Hòa đã đón hơn 10,8 triệu lượt khách lưu trú tăng 49,03% so với cùng kỳ, vượt 20,6% kế hoạch; Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 4,7 triệu lượt khách, tăng 98,76% so với cùng kỳ, vượt 58,9% kế hoạch; khách nội địa ước đạt gần 6,1 triệu lượt khách, tăng 24,62% so với cùng kỳ, vượt 1,5% kế hoạch; Tổng thu du lịch ước đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 56,47 % so với cùng kỳ, vượt 32,5% kế hoạch.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, chắc chắn năm 2025, các chỉ tiêu của ngành du lịch Khánh Hòa sẽ tiếp tục đạt và vượt cao hơn nữa.
Trần Minh Ngọc