Dự buổi lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Ngài Min Moon Ki, Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ngài Sriotide Marbun (Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam).
Về phía đại biểu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, đối tác đang hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Về phía đại diện chủ đầu tư có ông Park Heon-Gyu, Phó Chủ tịch Tổng Công ty Điện Lực Hàn Quốc (KEPCO); ông Yoshiaki Yokota, Tổng Giám đốc khối năng lượng và cơ sở hạ tầng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản); ông Oyama Mitsuo, Giám đốc Công ty Điện lực Tohoku (Nhật Bản).
Đại diện NS2PC có ông Hirohide Sagara, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty; cùng đại diện các nhà thầu, các đối tác của chủ đầu tư.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được khởi công tháng 07/2018 tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.330 MW. Công trình được Chính phủ Việt Nam giao cho NS2PC làm chủ đầu tư. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn thứ hai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng Công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao và sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm.
Tổng thầu dự án là Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam. Sau hơn 04 năm thi công, ngày 11/01/2022, NS2PC đã vận hành tổ máy số 1 công suất 600 MW. Vào ngày 13/07/2022, NS2PC cũng đã thử nghiệm công suất tin cậy ban đầu của nhà máy với sự chứng kiến của các chuyên gia Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tư vấn độc lập. Kết quả thử nghiệm công suất tin cậy ban đầu của nhà máy đạt hơn 1.200 MW công suất tinh và nhà máy chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/07/2022.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Đến nay, dự án đã đạt được hơn 18 triệu giờ lao động không có tai nạn thương vong; không có bất kỳ ca nhiễm Covid-19 trong dự án tính đến thời điểm vận hành thương mại tổ máy 1.
Chủ đầu tư luôn nghiêm túc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế trong công tác thi công. NS2PC cũng được biết đến với nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực. Trong 04 năm qua, mặc dù chưa có nguồn thu, nhưng NS2PC đã trích phần kinh phí để thực hiện hơn 100 chương trình an sinh xã hội với trị giá hơn 22 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, như: Lắp đường ống nước sạch cho 2.858 hộ dân ở xã Hải Hà, đào tạo cho ngư dân chứng chỉ thuyền trưởng, đào tạo các hộ nông dân canh tác hữu cơ, hỗ trợ trang thiết bị giáo dục, y tế để khám chữa bệnh ban đầu và phòng chống Covid-19…
Phát biểu tại lễ khánh thành và vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, ông Hirohide Sagara, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NS2PC, chia sẻ: Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là một trong số ít nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC). Công nghệ này cho phép tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu và giảm khí phát thải, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cũng như tiêu chuẩn của Việt Nam.
NS2PC sẽ khởi động vận hành nhà máy này theo tiêu chí “xanh”, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26.
Tham dự và phát biểu tại lễ khánh thành, đại diện các nhà đầu tư dự án đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, hỗ trợ trong suốt quá trình phát triển và xây dựng dự án; đặc biệt là sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của các bộ, ngành và địa phương giúp chủ đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 để xây dựng thành công dự án.
Với tiêu chí “vận hành xanh”, các chủ đầu tư tình nguyện sẽ tiên phong sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ giảm phát thải khí carbon, vận hành kết hợp năng lượng mặt trời, ứng dụng nhiên liệu sinh khối bio-mass. Đồng thời, sử dụng các công nghệ tiên tiến khác có sự bảo đảm các yêu cầu về mặt kĩ thuật cũng như tính khả thi về mặt kinh tế, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Hoài Thu